Trước khi đề cập đến chuyện tranh cãi, lời qua tiếng lại không mấy vui, vì có máu văn nghệ nên lòng vòng qua thơ văn để liên tưởng đến nội tình đang xảy ra. Coi như cơn gió thoảng giữa không khí nóng hừng hực…
Vào thời trung học đệ nhất cấp trong chương trình Việt Văn của Bộ Quốc Gia Giáo Dục đã học về tác phẩm “Lục Súc Tranh Công”.
Tác phẩm nầy của khuyết danh (Vô Danh Thị) được hình thành vào thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh, cuối thế kỷ XVIII. Vào thời kỳ ở nước ta đã xảy ra chuyện đấu đá, tranh dành quyền lực nên tác giả khuyết danh ngụ ý giữa người và người qua súc vật. Cụ Bùi Kỷ sưu tầm và in thành sách năm 1956 ở Sài Gòn.
Cùng thân phận với nhau nhưng 6 con vật tìm cách kể “công trạng” của mình và chê bai “công trạng” của bạn đồng loại kém cỏi, tầm thường. Và, khi kể công thì kiếm đủ lý do để “vinh danh” nhằm lập cho được thành tích, ngoài ra còn chê bai đối thủ đến tận cùng bằng số. Đó là hình ảnh của ngưu (trâu), khuyển (chó), mã (ngựa), dương (dê), kê (gà), thỉ (heo) lần lượt kể công:
Trâu:
“Trâu mỏi mệt, trâu liền thăn thỉ
Một mình trâu ghe nỗi gian nan…
…Việc cày bừa, nông vụ vừa xong,
Lại xe gỗ, dầm công liên khoái…”
Chó:
“… Đêm năm canh con mắt như chong
Đứa đạo tặc nép oai khủng động,
Ngày sáu khắc, lỗ tai bằng trống,
Đứa gian tham thấy bóng cũng kinh…”
Ngựa:
“… Tao đã từng đi quán, về quê
Đã nghe trận đánh Nam, dẹp Bắc.
Mỏi gối lưng phò xã tắc,
Mòn lưng cúi đội vương công…”
Dê:
“… Hễ có việc, lấy dê làm trước
Dê dâng rồi, người mới lạy sau…”
Gà:
“… Trên đầu đội văn quan một mũ;
Dưới chân đeo hai cựa thần thương
Đã ghe phen đến chốn chiến trường,
Lập công trận vang tai, lói óc…”
Heo:
“… Kìa những việc hôn nhơn giá thú
Không heo ta, tính đặng việc chi?
… Việc hòa giải, heo đầu công trạng,
Thấy mặt heo, nguôi dạ oán thù…”
Hỡi ôi! lục súc mà cũng kể công, thấy trâu kể công, chó đâu có vừa, rồi ngựa, rồi gà… kể như có công, đến cả dê và lợn cũng kể công trạng, hết ý.
Dù bù lu bù loa kể công trạng, có ít xít cho nhiều hầu chủ bố thí chút tình cảm thương hại, trọng vọng, chìu chuộng, đối xử khá hơn đồng loại nhưng lại không biết khi nào chủ cần “thanh toán” thì gặp phải tình cảnh cắt cổ, trụng nước sôi, luộc cho nhừ… và nhấm nháp.
Thuở đó cứ tưởng ngu như súc vật mới dại dột tranh công, gấu ó nhau cho cố rồi cuối cùng cũng bị “thịt”. Thỉnh thoảng nghe bậc trưởng thượng khinh khi, nguyền rủa kẻ nào, chớp cơ hội, liền cho vào hàng súc sinh, súc vật, thấy ớn lạnh da gà, xem như sự phê phán tận cùng của con người giữa chốn trần gian.
Tiếp tục đèn sách, đọc Phạm Quỳnh thấy ông phán: “Người đời thật không khác gì súc vật, có khi không bằng súc vật cũng nên” nghe mà tóa hỏa tam tinh, ghê gớm cho người đời, ông còn hạ loại người nào đó xuống dưới “đẳng cấp” súc vật. Tiếc rằng chương trình giáo dục trong Xã Hội Chủ Nghĩa không có bài bản Lục Súc Tranh Công vì ngại học trò suy diễn lung tung, đôi khi lấy ông nầy bà nọ trong phe, trong cánh ra so sánh thì… khốn!
Đã 6 thập niên qua, quên đi sách vở, tháng 7 năm 2020 vừa qua, bài viết Trận Chiến Cuối Cùng của ông Bằng Phong Đặng Văn Âu đã phán: “Khi lương tâm không còn, Con Người trở thành Súc Vật”. Ngẫm lại… Đúng y chang! Kẻ bất lương thì thường lươn lẹo.
* * *
Tác phẩm Tiếu Ngạo Giang Hồ của Kim Dung, với nhiều nhân vật, “mỗi người một vẻ” nhưng đến hồi thứ 61 trong quyển 4, theo bản dịch của Hàn Giang Nhạn, hình ảnh Đào Cốc Lục Tiên với 6 nhân vật quái gở xuất hiện trong thế giới võ lâm, Kim Dung dùng chữ “tiên” nghe cho kêu, thánh thiện nhưng thuộc loại trời gầm đất lở, ba trời ba trợn, nhố nhăng, kịch cỡm, nửa thầy nửa thợ nửa đười ươi, ba que, xỏ lá hết thuốc chữa…
Lúc thì hợp thành lực lượng hùng hậu, khi thì xâu xé, bới móc lẫn nhau thậm tệ, không tên nào nhường nhịn tên nào… gấu đá tơi bời hoa lá, đá cá lăn dưa!
Sáu nhân vật cũng nổi danh, bất chấp hắc bạch giang hồ, bất chấp luật lệ võ lâm: đại ca Đào Cán Tiên, nhị ca Đào Căn Tiên, tam ca Đào Chi Tiên, Đào Hoa Tiên, Đào Thực Tiên và Đào Diệp Tiên. Thuộc loại “Xú… Quái”. Tuy nghe tiên mẫu cho biết vậy nhưng ở vào tuổi ngoài năm mươi, sáu chàng vẫn mộng tưởng được bàn dân thiên hạ khen tặng như Phan An, Tống Ngọc.
Kim Dung mô tả 6 nhân vật đó xuất hiện khi nhận lệnh của tiểu cô nương để bắt gặp Lệnh Hồ Xung, biết được 6 quái nhân có tính nết kỳ quặc nên Lệnh Hồ Xung bèn tương kế tựu kế bày trò và 6 quái nhân tự hào giới thiệu với diện mạo được phác họa ví von “cái tôi đáng ghét”.
Trong một lần “lâm trận”, trước tình thế nguy nan, Lệnh Hồ Xung tìm cách giải cứu bèn khen ngợi dung nhan tuấn mỹ của Đào Cốc Lục Tiên: “Đào Căn huynh cốt cách thanh kỳ, Đào Cán huynh thân thể khôi vỹ, Đào Chi huynh tứ chi dài rộng, Đào Diệp huynh mi thanh mục tú, Đào Hoa huynh… chà chà… mắt sang như sao, trên trời hiếm có. Đào Thực huynh tinh thần quắc thước. Bất luận ai mới ngó thấy sáu vị một lần cũng biết ngay các vị là những đấng anh hùng mặt ngọc, chuyên làm điều nghĩa hiệp”.
Qua lời tâng bốc rồi được quần hùng phụ họa, thế rồi 6 tên “xú quái” quên hẳn địch thủ để tranh luận với nhau về nhan sắc của mình cho phủ phê thú tính.
Đào Cốc Lục Tiên với bản tính chính tà bất nhất. Tính tình kỳ quặc, không ai chịu nhường ai, chẳng ai nể nang ai, mỗi người cứ ôm lấy cái lý của mình. Nơi nào có Đào Cốc Lục Tiên xuất hiện thì nơi đó huyên náo, cãi vã, tranh hơn tranh thua với lập luận chày cối… nhờ vậy 6 thanh đơn đao bớt phần nào nhuộm máu võ lâm. Tuy 6 nhân vật luôn luôn kèn cựa, đôi co, soi mói, chửi bới lẫn nhau, không có đại ca tiểu đệ…
Quần hào chê bai thì bọn chúng chê quần hào dại. Nếu chê “chó đẻ” thì hỏi lại sao không kêu “ngựa đẻ”, gọi “ba que” lại thắc mắc, sao không gọi “bốn que”, “năm que”… Tuy cà tửng nhưng Lệnh Hồ Xung biết “thống lãnh” Đào Cốc Lục Tiên bèn cách khen bừa, tán đại làm 6 chàng ngất ngây con tàu đi, sướng ơi là sướng, sẵn sàng tôn vinh “minh chủ” và nhập trận để thị uy.
Đào Cốc Lục Tiên với cái thói ngông cuồng, dọa dẫm, bướng bỉnh, ngu dại… vẫn tưởng sự nhố nhăng, hung hãn của bọn chúng làm mưa làm gió nơi chốn võ lâm nhưng đối tượng nhìn vào thấy rõ chỉ là hình ảnh làm trò cười, kịch cỡm làm nhân vật bung xung cho những tay cao thủ của hắc bạch.
Đào Cốc Lục Tiên với bản chất phân hóa nên chỉ là 6 tên tép riu như quái thai, quái vật trong chốn võ lâm làm thú tiêu khiển trong cuộc xung đột giữa chốn giang hồ nằm trong tình trạng phân ranh với nhiều cao thủ võ lâm muồn thống lĩnh quấn hùng.
Mỗi nhân vật trong Đào Cốc Lục Tiên là hình ảnh “hiệp sĩ hoang tưởng” Don Quichotte của nhà văn Cervantès vào thế kỷ XVII.
Đem 6 nhân vật hư cấu đầy quái gỡ do nhà văn Kim Dung phác họa để so sánh với hình ảnh thời đại, e có điều bất ổn, nhưng hư mà thật. Đem những tranh chấp, nếu có, xảy ra trong cuộc chiến không biên giới giữa nhân vật võ lâm với hình ảnh kẻ thuộc loại Đào Cốc Lục Tiên, e có sự đau lòng chữ nghĩa. Tuy nhiên, ngòi bút đôi lúc còn độc hại hơn ngọn đao nhưng không phải ngọn bút nào cũng làm đối thủ bàng hoàng, đau điếng, không thấy nạn nhân chết mà thấy “chủ nhân ngọn bút” sa lầy, búa rìu với thị phi!.
Với 6 con vật được người đời nuôi còn tranh hơn thua thì 6 quái thai đó dù hình tướng dị tợn cũng là người làm sao tránh khỏi oan nghiệt của lợi danh!
William Shakespeare (1546 – 1617), kịch tác gia nổi tiếng của Anh, trong tác phẩm The Comedy of Errors của ông đã để lại câu nói thành danh ngôn: “Danh vọng! Danh vọng! Danh vọng! Ôi, tôi đã mất danh vọng. Tôi đã mất cái phần bất tử của chính tôi và cái còn lại là cái thú vật”. Phải chăng “cái phần bất tử” đó là nhân cách?.
* * *
Ngẫm lại chuyện nay trong kỳ bầu cử tổng thống tại Hoa Kỳ vào thượng tuần tháng 11 năm nay. Cuộc bầu cử nầy rất quan trọng vì ở Quốc Hội Hoa Kỳ với toàn bộ Dân Biểu, 1/3 số ghế ở Thượng Viện, 11 Thống Đốc tiểu bang và các chức vụ ở địa phương. Đảng Cộng Hòa & Dân Chủ ra sức chạy Marathon để dành lấy hậu thuẫn công dân (cử tri) HK cho đến ngày bầu cử.
Thời gian qua, trên chính trường Hoa Kỳ đã xảy ra nhiều biến động… Đảng Dân Chủ và Truyền Thông Khuynh Tả… toa rập, tận dụng khai thác, thổi phồng, xuyên tạc để quy kết cho TT Trump và chính quyền của ông hằng ngày như đổ dầu vào lửa!
Với truyền thống văn hóa, tục ngữ ta có câu với khuyên của tiền nhân “Giấy rách phải giữ lấy lề”, hàm ý khuyên bảo ta khi đứng trước nghịch cảnh, phải biết giữ nhân cách, nêu cao lòng tự tôn tự trọng, biết giữ lấy gia phong, truyền thống tốt đẹp của tổ tiên, ông bà và bản thân. Truyền thống tốt đẹp đó từ ngàn xưa nên giữ gìn bất cứ nơi đâu và hoàn cảnh nào.
Sống trong hoàn cảnh đang đối phó với nạn dịch Virus Tàu cộng đã chán rồi, lại xảy ra mưu toan chính trị đấy đá lẫn nhau càng chán ngấy. Chưa hết, ở tận trời Âu cùng dăm ba “thầy bàn” nhảy vào nội tình chính trị ở Hoa Kỳ gây xôn xao. Những “bộ mặt thời đại” nầy chợt nhớ giống Đào Cốc Lục Tiên chỉ biết mình, không biết người khác!
Việt Hải ở Los Angeles, có lập trường ủng hộ TT Trump và đảng Cộng Hòa, email của ông có cái list dài thoòng trong nhiều năm qua, trở thành diễn đàn. Ông phổ biến bài viết của chánh tà, ý kiến đóng góp, chửi nhau… với lời bàn Mao Tôn Cương…
Từ email của Việt Hải, xem qua cho biết sự tình, search vào internet, bài viết gây sóng gió “Tôi không ưa ông Trump” của ông Hoàng Cơ Lân vào đầu tháng 7 nầy. Dưới bài viết, ông ghi cấp bậc, chức vụ của 45 năm về trước. Chuyện ưa hay không là lẽ đương nhiên bày tỏ ý kiến dù ông ở xa lắc xa lơ không ăn nhằm gì việc lực chọn ứng cử viên Tổng Thống Hoa Kỳ, chẳng bận tâm điều đó nhưng ông dùng chữ “thằng Trump”, “thằng điên”, ai ủng hộ TT Trump là “bựa”…. Bài viết của ông HCL chỉ là lẩm cẩm thiên hạ sự, góp nhặt tin tức bá vơ để nêu ra chẳng ai thèm quan tâm nhưng có lẽ già nên lão hóa “giận mất khôn” nên phang túi bụi.
Theo bài viết của HH ghi nhận: “Ở nước ta, thập niên 30 của thế kỷ XX ra nhiều cuộc bút chiến nảy lửa. Các cuộc bút chiến này đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề với lý luận sắc bén… Trong quyển Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 của GS LM Thanh Lãng nêu ra rõ ràng qua 10 cuộc bút chiến.
Trong đó cụ Phan Khôi bút chiến trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ văn hóa đến tư tưởng, triết học; từ lịch sử, xã hội đến ngôn ngữ, văn chương, thơ phú… cụ xử dụng ngòi bút tranh luận đanh thép quyết liệt. Qua bút chiến với cụ Trần Trọng Kim buộc phải chỉnh sửa bộ sách Nho Giáo của mình khi tái bản năm 1932; cụ Huỳnh Thúc Kháng phải thừa nhận (sau khi tranh luận với Phan Khôi về một số vấn đề lịch sử cận đại): Nói cái lỗi của ta là điều may mắn cho ta… (Tiếng Dân, 20/5/1928). Vậy điều đầu tiên dễ dàng nhận thấy ở Phan Khôi qua các cuộc bút chiến là một học giả uyên bác, thâm sâu về kiến thức trên nhiều lĩnh vực khác nhau!
Qua bút chiến, Phan Khôi thể hiện một tinh thần đổi mới mạnh mẽ cùng với cái nhìn vượt thời đại. Tinh thần đổi mới của ông thể hiện trước hết ở chỗ tự đánh giá, tự nhận thức về chính đất nước mình, dân tộc mình.
Khi bút chiến, cụ Lê Dư chỉ nhắc đến Phạm Quỳnh nhưng không nhắc đến Phan Khôi. Thế là ông thẳng thừng lên tiếng ngay: Ông Lê có lòng tốt với tôi như vậy nỡ nào tôi đi phụ cái lòng của ông ấy. Song tôi nghĩ, cái chân lý giữa cõi học nó bắt phải để riêng cái tình anh em trong một nhà. (Sau nầy cụ Sở Cuồng Lê Dư kết hôn với em gái cụ Phan Khôi)
Cụ Phan Khôi chỉ dùng lý lẽ chứ không ngụy biện, không chế diễu, chê bai, mạt sát đồng nghiệp hoặc đối thủ trên văn đàn, chỉ tranh luận ở góc độ học thuật chứ tuyệt nhiên không bêu xấu cá nhân…”.
Thời gian xảy ra bút chiến đó đến nay đã 8 thập niên, cũng là bài học quý báu cho hậu thế… Vì vậy, trong phút giây mang hận thù “bút sa gà chết” sẽ lưu lại và ảnh hưởng không tốt cho bản thân!
Phát pháo hùng hồn, lập luận vững chắc của ông Bằng Phong Đặng Văn Âu trong bài Trận Chiến Cuối Cùng khá dài.
Trích:
“… Đại tá bác sĩ Hoàng Cơ Lân gọi những người ủng hộ “thằng” Donald Trump là một lũ bựa hoặc bỏ phiếu cho “thằng” Donald Trump là Việt cộng…
… Đồng ý rằng sống trong xứ sở tự do dân chủ, người công dân có quyền lựa chọn, muốn bầu ai thì bầu. Nhưng người có hiểu biết phải hướng dẫn cho cử tri bầu cho người xứng đáng đại diện mình.…
… Tổng Thống Donald Trump đã thấy rõ dã tâm của Trung Cộng. Cho nên ông sẽ quyết tâm xé Trung Cộng ra nhiều mảnh. Tôi tin Tổng Thống Trump thành công, vì lẽ Trời công minh, sẽ trừng phạt bọn ác quỷ để hành tinh này không bị biến thành hỏa ngục…”.
Đâu phải dùng thằng nọ thằng kia, ông Bằng Phong ĐVA vẫn gọi “Đại Tá Quân Y” để tranh luận nhưng có lẽ ông HCL.
Trong các bài viết phản hồi với nhau giữa ông Phạm Vũ Bằng và ông Hoàng Cơ Lân khá lý thú.
Thư thứ 1 của BS Phạm Vũ Bằng gửi ông Hoàng Cơ Lân
“Thưa ông Đại Tá Hoàng Cơ Lân: Ông sai rồi. Với tư cách một đồng nghiệp, lời khuyên đầu tiên của tôi là ông hãy tránh rời xa chốn “gió tanh mưa máu này” vì ở tuổi 88, nhận thức con người thường lệch lạc, nhận thù là bạn nhận bạn làm thù, vì những nhận thức sai lầm này ông đã viết những điều sai lệch để người đọc coi thường, khinh bỉ ông…
… Nếu ông thực sự viết câu: “phò việt cộng, núp dưới bóng việt cộng” để ám chỉ những người ủng hộ TT Trump, tôi yêu cầu ông suy nghĩ lại vì trên 60 triệu người Hoa Kỳ bỏ phiếu cho TT Trump có cả người Mỹ gốc Việt không hề “phò việt cộng, núp dưới bóng việt cộng”…
Thư thứ 2 của BS Phạm Vũ Bằng gửi ông Hoàng Cơ Lân
Trong lá thư nầy ông PVB nêu ra:
“Trong lá thư của ông có lời hăm dọa “Nếu ông còn chút danh dự, ông cứ cho anh em biết địa chỉ, thể nào tôi cũng có người đến thăm…”. Theo luật pháp nước Mỹ thì hăm dọa là trái phép hơn nữa… Vì vậy tôi đã chuyển thư này cho luật sư của tôi để lo thủ tục bảo vệ tôi chứ không kiện ông đâu.
Thư ông Hoàng Cơ Lân trả lời BS Phạm Vũ Bằng (email của ông HCL có nhiều lỗi typo nên chỉnh lại cho dễ đọc).
Ông HCL gọi ông Phạm Vũ Bằng, “… Ông rất khốn nạn khi gán cho tôi tội đào ngũ trước hàng quân”.
Thư thứ 3 của BS Phạm Vũ Bằng gửi ông Hoàng Cơ Lân
Thưa Đại Tá Hoàng Cơ Lân,
“Đáng lý tôi không trả lời thư của Đại Tá nhưng vì Đại Tá gửi cho nhiều người nên chẳng đặng đừng tôi phải trả lời.
… Thưa Đại Tá, nếu ông muốn người ta kính trọng mình thì hãy kính trọng người ta, hàng ngày tôi nhận được mấy chục điện thư chửi bới Đại Tá cho nên đã buộc lòng phải viết 1 lá thư khuyên nhủ Đại Tá chứ không chửi bới ông như người khác, Đại Tá hãy bình tâm đọc kỹ lá thư của tôi rồi ông có lấy lại câu “anh hỗn quá”, “bất xứng” là tùy ông thôi chứ tôi biết rõ tôi là ai…
Ông Phạm Vũ Bằng sống lâu năm ở “chốn gió tanh mưa máu” nầy nên đã từng chứng kiến những thủ đoạn bất hợp pháp “thanh toán” trong quá khứ nên phải liên lạc “luật sư của tôi để lo thủ tục bảo vệ” đó là điều chính đáng, hợp pháp, hợp lý.
Ông Đỗ Văn Phúc chuyển thư của ông Đoàn Trọng Hiếu gửi cựu Y Sĩ Đại Tá Hoàng Cơ Lân
Thư của ông Đoàn Trọng Hiếu viết:
“Thưa quý anh chị em trên các diễn đàn
Ngay từ cái trích đoạn như trên của ông cựu Đ/T HCL tôi thấy nó cũng đã không ổn, vì thưa ông cựu Đ/T, chúng tôi là những người nhiệt tình ủng hộ tổng thống Trump từ lần ứng cử năm 2016 cho đến nay, nhưng không hiểu vì sao những người chống ông Trump lại chống cả chúng tôi và liệt chúng tôi vào loại “cuồng Trump” và rồi họ lại liệt những người ủng hộ Trump là những người “phò việt cộng, núp dưới bóng việt cộng”, ông đại tá nghĩ sao khi ông trích những câu này từ nhóm Sáng Tỏ, ông có nghĩ là chính từ những câu trích như trên ông đã vô tình hay cố ý miệt thị những người anh em cùng chung màu cờ sắc áo với ông thuở nào không?
… Chúng tôi ủng hộ Trump chứ không cuồng Trump. Chúng tôi chỉ cuồng chính chúng tôi và con cháu chúng tôi. Vì tương lai con cháu mà chúng tôi phải có chọn lựa thái độ chính trị. Xin trả lại hai chữ “Cuồng Trump” để những tên dùng chữ này mang về làm vàng mã cúng ông bà chúng trong những ngày giỗ chạp.
… Ông Lân, tự mình đã chứng tỏ sự kiêu căng, nhục mạ người khác, nên mới tạo hoàn cảnh cho họ mắng lại. Chẳng có gì oan cả! Muốn người khác trọng mình, mình nên tỏ ra tự trọng!”
Ông Đỗ Văn Phúc chỉ chuyển thư của ông “lính trận Đoàn Trọng Hiếu”. Ông HCL có lẽ lão hóa rồi, không dám trả lời ông Đoàn Trọng Hiếu, ông BP Đặng Văn Âu mà xoay qua tấn công ông Đỗ Văn Phúc:
“Ông Michael Đỗ, vì mang tên Mỹ, đã quên hết cương kỷ của QLVNCH. Trong Quân đội cấp bậc không có chữ “cựu”, tôi là Y sĩ Đại tá QLVNCH chứ không phải “cựu đại tá”. Cái cấp bậc mình mang cho đến chết, nó là quá khứ và danh dự của một người quân nhân. Chỉ khi nào phạm trọng tôi, phải ra tòa và bị tòa án quân sự tước lon, lúc đó mới mất cấp bậc. Chữ “cựu” chỉ dùng trong chúc vụ đã đảm nhận trong đời quân ngũ: cựu Tư Lệnh, cựu Trưởng Phòng… và trong trường hợp của tôi “cựu CHT/TQY QLVNCH. Ông chẳng hiểu gì cả! Học lực của ông đến đâu rồi?
Ông Đoàn Trọng Hiếu viết mà gán là của ông Đỗ Văn Phúc. Oh! lala
Chưa hết, ông HCL viết tiếp:
“Cũng được biết ông là sĩ quan CTCT. Ông làm nghề này bao lâu, ở đâu? Nếu ông không ngại, xin ông cho tôi bản tướng mạo quân vụ, hay ít ra lai lịch có kiểm chứng, để tôi trình Trung Tướng Trần văn Trung cựu TCT/Tổng Cục CTCT duyệt xét. Tôi quen tướng Trung cả mấy chục năm nay, chúng tôi vẫn thỉnh thoảng điện thoại hỏi thăm nhau và ông ở cách nhà tôi có độ 30 phút xe hơi.
… Tôi tuyên bố trước mặt các bạn hữu của tôi: tôi khinh ông! Ông không đáng ngồi nói truyện với tôi! Bác sĩ Hoàng cơ Lân, Y sĩ Đại tá/QLVNCH”.
Với lá thư người viết và người chuyển mà ông Hoàng Cơ Lân đọc mà chẳng hiểu gì cả thì chuyện trên chính trường Hoa Kỳ mù tịt quá đi thôi!
Thư thứ 2 của ông Đoàn Trọng Hiếu gửi ông Hoàng Cơ Lân:
“Sau mấy lời góp ý với ông cựu Đại tá bác sĩ Hoàng Cơ Lân về việc ông ủng hộ nhóm Sáng Tỏ, và trích những lời bố láo của nhóm này đối với những người ủng hộ Tổng thống Trump. Lẽ ra ông ta phải viết để phản bác tôi nếu ông muốn, nhưng ông ta lại quay sang hoạnh hoẹ ông Đỗ Văn Phúc là người chỉ chuyển những thư trên. Điều này chứng tỏ là ông ta đã bắt đầu lẩn thẩn, đầu óc không được bình thường nhận bạn ra thù và nhận thù là bạn như Bác sĩ Phạm Vũ Bằng đã nói với ông này.
Đáng lẽ tôi không viết thêm về ông này vì không muốn ông lại giở cái thói “thượng đội hạ đạp” hách dịch lớn lối như đã giở ra với ông Đỗ Văn Phúc, rồi ông lại yêu cầu tướng Đỗ Kế Giai phải có biện pháp với tôi thì tội nghiệp cho ông Giai chết rồi mà vẫn không yên. Nhưng chẳng đặng đừng thấy ông huênh hoang cũng như vu khống chụp mũ một cách lố bịch nên đành phải lên tiếng…”.
Trích đoạn của phái nữ viết feedback với ông Hoàng Cơ Lân
Bài của Hoàng Lan Chi về vụ Hoàng Cơ Lân
“… Ô Hoàng Cơ Lân viết: Ông Michael Đỗ, vì mang tên Mỹ, đã quên hết cương kỷ của QLVNCH. Trong Quân đội cấp bậc không có chữ “cựu”, tôi là Y sĩ Đại tá QLVNCH chứ không phải “cựu đại tá”.
… Ông Michael Đỗ nếu quên thì là vì hải ngoại đã dùng nhiều chứ không phải vì cái Michael… Nếu không có biến cố 75 thì đa số chúng ta gọi Cựu hoặc Nguyên cho chức vụ nhưng khổ nỗi chúng ta mất nước nên nhiều người lại gọi ”cựu” ám chỉ cấp bậc cuối cùng của vị đó vào 1975.
… Ơ hay theo tôi biết chưa bao giờ ô Michael Đỗ dám la hét đòi chôn sống ai cả. Cụ kỳ quá đi vì cụ vơ đũa cả nắm mà lại vơ ngay ”người lạ hoắc” mà cụ không hề biết gì về người ta…
… Bẩm cụ, tôi đã trả lời tất cả những gì cụ viết cho Michael Đỗ. Sở dĩ tôi dành thì giờ trả lời cụ vì tôi là ”chiến hữu” của Michael Đỗ. Tôi cũng trả lời cho cụ với tư cách là một công dân Hoa Kỳ gốc Việt, ủng hộ Trump (mà cụ miệt thị chúng tôi là ”bựa” đấy). Tôi cũng trả lời cho cụ với tư cách là một người phụ nữ gốc VNCH vì cụ làm tôi hơi xấu hổ lây…
Bài của Tôn Nữ Hoàng Hoa: Già rồi mà vẫn còn khát khao quyền lực.
Trích: “… Tôi nhớ cách đây hơn 20 năm khi hai vị cựu Tướng là cựu Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi và Thiếu Tướng Đỗ Kế Giai về tham dự Đại Hội Nhảy Dù tại Florida. Nhị vị Tướng lãnh đã nghỉ lại tư gia của chúng tôi trong suốt thời gian buổi Đại Hội. Tôi nhớ có lần tôi mời Thiếu Tướng Đỗ Kế Giai ra uống trà sau buổi nghỉ trưa. Ông nhỏ nhẹ bảo với tôi là: Bà Hoa đừng gọi tôi là Thiếu Tướng làm tôi buồn và tủi lắm. Xin gọi tôi là Bác Giai là đủ rồi. Tôi hỏi ông: Tại sao vậy thưa Th. Tướng. Đó là chức vụ của Th. Tướng mà. Sau khi ngồi vào bàn uống trà. Tr.T Thi vẫn chưa dậy. Th.Tướng Giai kể cho chúng tôi nghe những nỗi đau thương uất ức trong trại tù CS. Chúng đem sĩ quan VNCH ra biếm nhẽ sỉ nhục, mọi người đều im lặng dấu nỗi uất ức trong lòng. Cho nên mỗi lần nghe ai gọi tôi là Th. Tướng thì những hình ảnh cũ trong tù lũ lượt chạy về làm mình không thoải mái. Vậy bây giờ bà Hoa gọi tôi là Bác Giai đi nhé!
… Trong thời gian Cựu HQ Đại Tá Nguyễn Xuân Sơn làm Chủ Tịch Cộng Đồng VN tại Hoa Kỳ. Cá nhân tôi ít giao thiệp với ông. Nhưng sau khi về Florida sinh sống giao thiệp nhiều với cựu HQ Đại tá Nguyễn Xuân Sơn, tôi mới nhìn thấy tâm tư yêu nước chống cộng sản của ông. Ban đầu chúng tôi gọi ông là Đại tá. Ông đã hiền lành kêu gọi chúng tôi đừng gọi ông là Đại Tá mà chỉ gọi ông bà là anh chị là vui rồi. Tôi nói thì gọi ông là Cựu Đại tá cũng không sao chứ. Cựu Đ T Sơn nói: Còn Chính quyền VNCH thì còn gọi Đại tá hay về hưu thì gọi Cựu. Còn VNCH bây giờ không còn nữa mà gọi cấp bực với ai. Thôi xin qúi anh chị gọi tôi là anh là vui rồi. Cựu HQ Đại tá Nguyễn Xuân Sơn là người hiền lành, khiêm nhượng. Có tinh thần chống Cộng rất cao.
… Thưa qúy vị, bài viết này được viết ra trên cảm xúc bất bình của người dân bị doạ nạt. Người đọc hay ông Michael Đỗ có đọc lời thư này chắc sẽ buồn cười không thèm trả lời. Nhưng cá nhân tôi đọc những lời lẽ này liên tưởng đến nỗi lo sợ của người dân trong nước mỗi khi bị quan quyền doạ nạt mà cảm thấy bất bình viết ra”.
Bài viết Thưa chuyện cùng vài cụ Âu Châu Chống Trump của Vũ Linh (16/8), trang bài nầy khá dài vì nêu ra những điều của 3 cụ viết và trả lời với dẫn chứng từng điểm “nói có sách, mách có chứng”… Lướt qua ghi nhận:
“Trong 2 tuần qua, cộng đồng tỵ nạn đã xôn xao tranh luận về một bài nhận định của cụ Hoàng Cơ Lân (Pháp) về TT Trump, được cụ Trần Văn Tích (Đức) nhiệt liệt hoan nghênh, và cụ Tôn Thất Sơn (Bắc Âu) lên tiếng thách thức – xin lỗi, phải nói là khéo léo ‘mong ước’ mới chính xác – những người ủng hộ TT Trump ‘phản bác’.
… Bây giờ, cả cụ Tích và cụ Sơn đều kêu gọi ‘phản bác’ nên đành cung kính vâng lời. Tôi xin phép nói ngay, sẽ tuyệt đối không dám đả động đến cá nhân, gia thế, chức tước, nghề nghiệp, hay họ hàng, thân hữu nào của quý cụ.
… Tôi xin phép ghi nhận thành ý của quý cụ, chỉ tiếc là quý cụ vì không sống ở Mỹ, chỉ biết tin tức Mỹ qua các cơ quan truyền thông dòng chính (TTDC) Mỹ, được phiên dịch và loan tải bởi truyền thông Âu Châu. Cái phiền toái đáng tiếc là thứ nhất, TTDC Mỹ theo một nghiên cứu của Đại Học Harvard, đã thiên vị rất nặng, loan tin và bình luận bất lợi cho TT Trump từ 90% đến 95% (cái 5%-10% còn lại, coi như cho có để tránh 100% quá lố bịch), và thứ nhì, ai cũng biết Tây Âu, nhất là Bắc Âu, là khối dân nói chung khuynh tả (xin đừng hiểu lầm là tôi chụp mũ dân Tây Âu là CS), cấp tiến hơn xa dân Mỹ, hơn xa cả cái đảng Dân Chủ Mỹ, không một người nào bên đó có thể hiểu và ủng hộ một ông bảo thủ Mỹ, và do đó, tất cả các cơ quan truyền thông Tây Âu và Bắc Âu đều chống TT Trump hết, nếu không 100% thì cũng 99%.
… Cụ TTS dẫn chứng kinh nghiệm sinh hoạt chính trị Bắc Âu để khuyên chúng tôi, những người ủng hộ TT Trump muốn phản bác, đừng “mang cá nhân hoặc đời tư cá nhân ra nhục mạ lẫn nhau”, “nên học cái đúng cái tốt trong môi trường dân chủ của người ta”.
Thưa cụ, cụ viết rất đúng, tôi hoàn toàn hoan nghênh, nhưng tôi thiển nghĩ nếu có thể, cụ nên khuyên nhủ những đồng chí cuồng chống Trump của cụ trước, trước khi dạy bảo chúng tôi.
… Riêng cụ HCL thì gọi TT Trump là “thằng điên”, và những người ủng hộ ông là “tụi bựa”, “nô bộc”.
… Bầu cử tổng thống Mỹ cũng như tất cả bầu bán đủ loại trên khắp thế giới đều có quy luật riêng biệt, vấn đề là làm sao thắng trong quy luật đó, không thể nói nếu áp dụng quy luật của Pháp vào bầu cử Mỹ thì Trump đã thua. Xin quý cụ tha lỗi cho, chứ tôi không nghĩ đây là cách lập luận “không có gì sai trái cả”.
… Thưa quý cụ, ngay sau ngày bầu cử, phe DC từ chối chấp nhận kết quả, tố cáo phe ông Trump gian lận, đòi đếm phiếu lại tại ba tiểu bang then chốt nhất. Thất bại. Sau đó đòi sửa thủ tục cử tri đoàn bầu tổng thống rồi kêu gọi cử tri đoàn phản ông Trump, bầu cho bà Hillary. Lại thất bại.
… Vài lời mạo muội góp chuyện, tuyệt đối không có ý nghĩ phạm thượng. Có gì thất kính, xin quý cụ rộng lượng tha thứ” (Vũ Linh)
http://diendantraichieu.blogspot.com/p/thua-chuyen-cung-vai-cu-au-chau-chong.html
Còn nhiều bài viết phản bác về các cụ ở trời xa đã phổ biến. Trích dẫn ở trên cũng dài dòng rồi.
* * *
Lịch sử nước nhà ghi lại hình ảnh cụ Phan Bội Châu (1867–1940) & cụ Phan Chu Trinh (1872–1926) làm tấm gương cho hậu thế.
Con đường cứu nước của hai nhà cách mạng với đường lối khác nhau. Cụ Phan Bội Châu đề xướng phong trào Đông Du, vận động người trong nước xuất dương qua Nhật Bản để học hỏi kiến thức và mua vũ khí nước ngoài để chống Pháp ở trong nước.
Cụ Phan Chu Trinh thành lập phong trào Duy Tân, cụ cùng với cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Trần Quý Cáp… vận động công cuộc duy tân: Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh.
Tuy khác lập trường, hai cụ “đường ai nấy đi” bất đồng nhưng không bất hòa, hai cụ vẫn tìm cơ hội gặp gỡ nhau. Trong tập Tự Phán, Phan Bội Châu ghi: “Tôi mượn tiếng là đi mừng bảng Hội, bắt đầu ở nhà Tiểu La, thăm nhà cụ Huỳnh Thúc Kháng, vừa gặp cụ Tây Hồ (Phan Chu Trinh), cụ Trần Quý Cáp, thảy đều ở đó, nói chuyện suốt đêm rất vui…”
Mỗi lần gặp gỡ, trong tinh thần chung lo đại sự, hai cụ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh thường cùng nhau tranh biện sôi nổi.
Qua tập giới thiệu tác phẩm Giai Nhân Kỳ Ngộ của cụ Phan Chu Trinh, cụ Huỳnh Thúc Kháng viết:
“Dịp đó hai người gặp nhau, nghị luận tuy có chỗ không hợp nhau mà vẫn phục nhau, có cùng nhau bàn việc phế khoa cử, lập hội thương, trường học, song cũng chưa làm. Tháng Chạp năm ấy (1904) ông Sào Nam vào Quảng Nam tới thăm tiên sinh (PCT) tại nhà rồi về đi Nhật Bản. Tiên sinh mới gặp ông Sào Nam, viết bài Lưu Cầu Huyết Lệ, cho là không hợp thời thế cuộc bây giờ, song ông Sào Nam lúc đầu đang nóng về chủ nghĩa bài ngoại, nên cũng không chịu phục”.
Tuy vậy, khi đã tâm phục nhau, thì dù có khác chính kiến, hai ông vẫn kính trọng và cảm mến nhau. Lúc Phan Chu Trinh qua Hong Kong, Phan Bội Châu từ Nhật sang đón và ghi lại cuộc trùng phùng ở đó”…
Khi cụ Phan Chu Trinh mất, cụ phan Bội Châu làm bài văn tế khóc người đồng chí hướng, và đôi câu đối Điếu Phan Chu Trinh:
“Sương hải vị điền, Tinh Vệ hàm thạch;
Chung Kỳ ký một, Bá Nha đoạn huyền”.
(Chim Tinh Vệ hoặc Đỗ Quyên, theo nghĩa “lòng nhớ nước”. Giai thoại về tình bạn trân quý giữa Bá Nha, Tử Kỳ (họ Chung).
Còn nhiều mẩu chuyện ghi lại hai cụ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh trong nhiều lần gặp nhau, đối đáp lý lẽ trong sự tôn kính, vào thời điểm đó (1910-1920) hai cụ tuổi bốn mươi… với nhân cách cư xử với nhau như vậy, tấm gương sáng cho hậu thế.
Nhà văn Pháp Anatole France nói “Thà hiểu ít còn hơn hiểu bậy”, khi hiểu bậy mà ngoan cố với lập luận của mình, tự mình đánh mất nhân cách.
Trong kỳ bầu cử vào tháng 11 năm 2016, là người Việt tỵ nạn CS, công dân Hoa Kỳ, không đảng phái, với hai ƯCV Tổng Thống Hillary Clinton & Donald Trump, bà Hillary đang ở thế thượng phong nhưng với tôi bà giỏi về trình diễn nhưng suốt thời gian qua những việc làm của bà gây nhiều tai tiếng. Với khuôn mặt mới trên chính trường, ông Trump hứa hẹn những điều thực tiễn cho đất nước Hoa Kỳ, tuy chưa biết lời nói có đi đôi với việc làm như nhiều ƯCV tổng thống trong quá khứ, thôi thì thử bầu cho ông. Với kết quả Tổng Thống của đảng Cộng Hòa và Hạ Viện vào tay đảng Dân Chủ, sự phân quyền nầy là điều tốt mà hầu như người dân Hoa Kỳ mong muốn.
Trong hơn ba năm rưỡi qua, TT Trump đã thực thi những điều đã hứa, với bản tính thẳng thắn mà người xưa nói “trung ngôn nghịch nhĩ” đã gây sóng gió trên chính trường. Và, thời gian qua, Hạ Viện Hoa Kỳ chẳng quan tâm đến đường lối, chính sách cho người dân Hoa Kỳ và quan hệ quốc tế mà chỉ chăm chú đến vấn đề triệt hạ TT Trump và nội các của ông!
Trong thời gian đầu, tưởng chừng TT Trump đi theo vết xe cũ của TT Clinton và TT Obama làm tôi thất vọng. Nhưng thời gian gần đây TT Trump dốc toàn lực chống đối Trung Cộng, muốn triệt hạ chủ nghĩa xã hội, hồn ma của chủ nghĩa Cộng Sản, tôi rất ngưỡng mộ.
Lịch sử VN ghi lại các thời kỳ Bắc thuộc: Bắc thuộc lần thứ nhất (179 trước CN-39). Lần thứ hai (43-541). Lần thứ ba (602-905). Lần thứ tư (1407-1427)… trải qua gần một nghìn năm, đất nước ta bị quân xâm lược Trung Hoa cai trị. Những cuộc nổi dậy của bậc tiền nhân chống quân xâm lược để dành quyền tự chủ cho giang sơn bờ cõi còn soi sáng.
Nay quân xâm lược Trung Cộng đang hùng mạnh, Việt Nam lâm vào tình trạng Bắc thuộc lần thứ năm trong hệ thống xã hội chủ nghĩa! Là người Việt chân chính phải đau đớn với mối thù truyền kiếp nầy nhưng “thấp cổ bé miệng” không làm được chuyện lớn. TT Trump nay ra sức loại bỏ thế lực thù địch Trung Cộng, lẽ nào chúng ta không ủng hộ ông để hoàn thành sứ mệnh. Nếu Trung Cộng sụp đổ thì chư hầu CSVN cũng sụp đổ theo như năm 1990 với Liên Xô và các nước chư hầu Đông Âu.
Ngày trước Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn gác thù riêng, dốc lòng vì nước. Trong Hịch Tướng Sĩ của ngài “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm”.
Trang sử vàng son còn ghi lại để hậu thế noi theo.
Lâm Triều Anh
Ngày 17/8/2020
Be the first to comment