Hơn 40 năm trước, Bill Gates và Paul Allen đã thành lập Microsoft với tầm nhìn là đưa máy tính cá nhân lên mọi bàn làm việc. Không ai thực sự tin họ, nhiều người thậm chí còn cố ngăn cản ý tưởng điên rồ của họ. Và trước khi mọi người kịp nhận ra, Microsoft đã hiện thực hóa được tham vọng của mình. Mọi người đều sở hữu máy tính Windows, còn chính phủ các nước nôn nóng tìm cách kìm hãm sự độc quyền của Microsoft.
Câu chuyện luôn lặp đi lặp lại trong suốt chiều dài lịch sử của ngành công nghiệp công nghệ. Những người sáng lập táo bạo đã đặt tầm nhìn của họ vào một cái gì đó ngoài tầm với – như khi Mark Zuckerberg muốn kết nối tất cả mọi người – và sự phi lý trong kế hoạch mới đã khiến họ thoát khỏi sự “săm soi” của cộng đồng. Đến khi có thể theo kịp được tầm ảnh hưởng của họ, đó cũng là lúc chúng ta chẳng thể làm gì được nữa.
Và điều đó đang tiếp tục lặp lại. Trong những năm gần đây, các thế lực lớn nhất của ngành công nghệ số đã đặt tầm nhìn của họ vào một mục tiêu mới cho cuộc chinh phục kỹ thuật số. Họ hứa hẹn những sự tiện ích đến mức hoang đường cho sức khỏe và hạnh phúc của nhân loại. Nhưng vấn đề là, chỉ cần một lỗ hổng bảo mật bị phơi bày, như vụ scandal dữ liệu của Facebook chẳng hạn, thế giới sẽ như bị đảo ngược, và mọi người lại gấp rút tìm cách khắc phục.
Mục tiêu mới của ngành công nghiệp số là gì? Đó không còn là máy tính trên mọi bàn làm việc hay kết nối mọi người lại với nhau nữa, mà sẽ là cái gì đó vĩ đại hơn: một máy tính bên trong mọi vật, kết nối với mọi người.
Xe cộ, khóa cửa, kính áp tròng, quần áo, lò nướng bánh, tủ lạnh, robot công nghiệp, bể cá, đồ chơi tình dục, bóng đèn, bàn chải đánh răng, mũ bảo hiểm… những vật dụng hàng ngày đều nằm trong danh sách để trở nên “thông minh”. Hàng trăm những start-up nhỏ đang tham gia vào xu hướng – được biết đến bởi cụm từ mang tính tiếp thị là Vạn vật kết nối (Internet of Things) – nhưng cũng giống như mọi thứ khác trong giới công nghệ, phong trào được dẫn dắt bởi những công ty, tập đoàn khổng lồ, trong đó có Amazon, Apple và Samsung.
Chẳng hạn, Amazon đã ra mắt một lò vi sóng được tích hợp Alexa, trợ lý ảo của hãng. Amazon sẽ bán lò vi sóng với giá 60 USD, nhưng nó cũng bán chip – thứ cốt lõi làm cho thiết bị trở nên thông minh cho các nhà sản xuất khác, khiến khả năng kết nối của Alexa được vươn xa tới nhiều thiết bị gia dụng đa năng nữa như quạt, lò nướng bánh và máy pha cà phê . Tháng 10/2018, cả Facebook và Google đều công bố thiết bị “cổng giao tiếp” tại nhà riêng cho phép người dùng xem video và thực hiện các thủ thuật kỹ thuật số khác bằng giọng nói.
Có thể nhiều người sẽ coi nhiều điều trong sáng kiến là ngốc nghếch và chắc chắn thất bại. Nhưng tất cả mọi thứ lớn lao trong công nghệ khi khởi đầu đều trông ngớ ngẩn, và thống kê cho thấy Internet of Things đang phát triển nhanh chóng mặt. Hiện nay không phải là lúc nghĩ xem liệu nó có thành công hay không – mà là xem trong bao lâu nữa nó sẽ “thôn tính” cả thế giới.
Bruce Schneier, nhà tư vấn bảo mật là tác giả cuốn sách “Click Here to Kill Everybody” về mối đe dọa của Internet of Things với xã hội chia sẻ: “Tôi không muốn bi quan, nhưng với tình hình hiện tại, thật khó để không như vậy”. Ông lập luận rằng các lợi ích kinh tế và kỹ thuật của ngành công nghiệp Internet of Things không phù hợp với an ninh và quyền riêng tư cho xã hội nói chung. Đặt một máy tính trong mọi thứ biến cả thế giới thành một mối hiểm họa về bảo mật máy tính. Các lỗi và lỗ hổng bảo mật được phát hiện chỉ trong vài tuần ở Facebook và Google cho thấy việc bảo mật kỹ thuật số khó khăn như thế nào, ngay cả đối với các công ty công nghệ lớn nhất. Trong một thế giới robot hóa, việc ăn cắp dữ liệu sẽ không chỉ ảnh hưởng đến dữ liệu của mọi người, mà còn có thể gây nguy hiểm cho tài sản, cuộc sống của họ và thậm chí cả an ninh quốc gia.
Ông Schneier giải thích chỉ có sự can thiệp của chính phủ mới có thể cứu chúng ta khỏi những tai họa đang nổi lên. Ông kêu gọi tái hiện lại chế độ quản lý an ninh kỹ thuật số giống như cách chính phủ liên bang Mỹ thay đổi bộ máy an ninh quốc gia của mình sau cuộc tấn công ngày 11/09/2001. Trong số các ý tưởng khác, ông vạch ra sự cần thiết cho một cơ quan liên bang mới – một Văn phòng Cyber quốc gia, để nghiên cứu, tư vấn và điều phối việc phản vệ trước các mối đe dọa được đặt ra bởi Internet.
Bruce Schneier chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng không có ngành công nghiệp nào trong 100 năm qua tự cải thiện mức độ an toàn và an ninh của nó mà không nhờ vào sự ép buộc bởi chính phủ. Trong xã hội mà chính phủ hiện không thể làm được bất cứ điều gì, tôi không thấy bất kỳ sự khống chế nào trong xu hướng phát triển của các doanh nghiệp”.
Những xu hướng đang hiện hữu. Từng rất khó để thêm kết nối Internet vào các thiết bị gia dụng, nhưng trong vài năm gần đây, chi phí và sự phức tạp đã giảm mạnh. Hiện nay, các máy tính mini độc đáo như Arduino có thể được sử dụng để biến mọi vật thể gia đình trở nên “thông minh”. Các hệ thống như Amazon đang hứa hẹn sẽ đẩy nhanh sự phát triển của các thiết bị internet vạn vật đi xa hơn.
Tại một sự kiện báo chí tháng 10/2018, một kỹ sư của Amazon đã cho thấy một nhà sản xuất quạt gia đình có thể tạo ra chiếc quạt “thông minh” bằng cách sử dụng con chip của Amazon, được gọi là Alexa Connect Kit. Bộ công cụ mà Amazon đang thử nghiệm với một số nhà sản xuất rất dễ tích hợp, chỉ cần cắm vào bộ phận điều khiển của quạt trong khi lắp ráp. Nhà sản xuất cũng phải viết một vài dòng code – trong ví dụ của nhà sản xuất quạt, kỹ sư Amazon chỉ cần viết một nửa trang code để làm cho máy có thể chạy.
Các bit kỹ thuật số của quạt, bao gồm cả bảo mật và lưu trữ đám mây, đều do Amazon xử lý. Quạt sẽ tự động kết nối với mạng gia đình và bắt đầu thực hiện các câu lệnh người dùng nói cho Alexa. Chỉ cần cắm điện! Hệ thống là dẫn chứng cho lập luận lớn hơn của ông Schneier, đó là chi phí cho việc thêm máy tính vào các đối tượng sẽ trở nên rất thấp đến mức các nhà sản xuất chả có lý gì để không kết nối mọi loại thiết bị với Internet.
Đôi khi, sự thông minh hóa sẽ dẫn đến những tiện lợi – người dùng có thể la lớn với cái lò vi sóng để hâm nóng bữa ăn trưa dù đang đứng ở đâu trong căn phòng. Đôi khi nó sẽ dẫn đến cơ hội doanh thu cho các sản phẩm khác – lò vi sóng của Amazon sẽ thêm bỏng ngô cho người dùng khi sắp hết. Đôi khi, sự thông minh hóa được sử dụng để giám sát và tiếp thị, như loại TV thông minh sẽ theo dõi những gì người dùng xem để phân bổ quảng cáo.
Ngay cả khi những lợi ích là nhỏ, họ vẫn sẽ tạo ra một logic thị trường nhất định; tại một số thời điểm trong tương lai gần, các thiết bị không kết nối với Internet sẽ hiếm hơn những thiết bị có kết nối Internet. Tuy nhiên, vấn đề là, các mô hình kinh doanh cho các thiết bị như vậy thường không cho phép bảo trì bảo mật liên tục mà chúng ta đang quen dùng trên nhiều thiết bị máy tính truyền thống hơn. Apple có động cơ để tiếp tục viết các cập nhật bảo mật để giữ cho iPhone của người dùng an toàn, vì các sản phẩm iPhone rất đắt tiền, và thương hiệu của Apple phụ thuộc vào việc giữ cho người dùng an toàn khỏi khủng hoảng kỹ thuật số.
Nhưng các nhà sản xuất thiết bị gia dụng có lợi nhuận thấp sẽ ít có chuyên môn và động lực hơn để nghĩ đến chuyện bảo mật. Đó là lý do tại sao Internet of Things cho đến nay đồng nghĩa với từ khủng hoảng an ninh; tại sao trong năm 2017 FBI đã phải cảnh báo các bậc cha mẹ về sự nguy hiểm của “đồ chơi thông minh”; và tại sao Dan Coats, giám đốc tình báo quốc gia Mỹ, đã xác định các thiết bị thông minh như một mối đe dọa ngày càng tăng đối với an ninh ở tầm quốc gia.
Một đại diện của Amazon từng cho biết, công ty đã xây dựng tính năng bảo mật vào phần lõi của các công nghệ thông minh của họ. Connect Kit cho phép Amazon duy trì an ninh kỹ thuật số của một thiết bị thông minh – và Amazon dường như có tính bảo mật tốt hơn nhiều các nhà sản xuất thiết bị gia dụng. Là một phần của kinh doanh điện toán đám mây của mình, Amazon cũng cung cấp một dịch vụ cho công ty sản xuất để kiểm tra tính bảo mật của các dịch vụ Internet of Things của họ.
Theo ông Schneier, sự can thiệp của chính phủ không phải là “liều thuốc chữa bách bệnh”, mà là lằn ranh giảm tốc độ, một cách để con người chúng ta bắt kịp những tiến bộ công nghệ. Quy chế và giám sát của chính phủ làm chậm sự đổi mới – đó là một lý do khiến các chuyên gia không thích nó. Nhưng khi những mối nguy hiểm toàn cầu kéo đến, việc chậm lại một một bước không phải là một ý tưởng tồi tệ.
Kết nối mọi thứ có thể mang lại lợi ích to lớn cho xã hội. Nhưng mối đe dọa có thể sẽ lan rộng. Liệu chúng ta có nên chậm lại trước khi bước vào tương lai bất định?
5 Tháng Mười Một 20181
Be the first to comment