Vào ngày 7/4/1997, Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Robert Rubin ký thỏa thuận tại Hà Nội về việc Việt Nam trả lại khoản nợ 145 triệu đôla của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.
Theo tin VOA tiếng Việt, Bộ Tài chính Hoa Kỳ vừa cho biết rằng nhà đương quyền Việt Nam đã thanh toán hết số nợ 145 triệu đôla phát sinh từ khoản vay của Việt Nam Cộng hòa trước năm 1975. Đây là khoản nợ mà Hà Nội bị buộc phải kế thừa, một vấn đề lớn từng gây cản trở cho tiến trình bình thường hóa trong quan hệ Mỹ – Việt.
Bài viết lần lượt trình bày:
• Nguồn gốc món nợ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) vay của Hoa Kỳ
• Ý nghĩa việc trả nợ này.
I – Nguồn gốc món nợ VNCH vay của Hoa Kỳ
Theo hãng tin AP trích dẫn thông tin của Bộ Tài chính Mỹ cho biết, trong số nợ 145 triệu đôla mà nhà đương quyền Việt Nam mới trả hết cho Hoa Kỳ, bao gồm:
(1) Khoảng 76 triệu đôla là nợ gốc từ các khoản vay phục vụ cho nông nghiệp, giao thông, nhà máy điện… mà chính quyền Sài Gòn vay của Washington từ trước khi kết thúc Chiến tranh Việt Nam năm 1975.
(2) Và khoảng 70 triệu đôla còn lại là tiền lời trong 24 năm.
Các quan chức Hoa Kỳ cho biết trong món nợ vừa thanh toán, không có khoản vay nào được sử dụng để tài trợ cho các hoạt động quân sự trong chiến tranh Việt Nam.
Theo báo Nhân dân cơ quan ngôn luận của nhà nước Việt Nam, số nợ gốc của chính quyền Sài Gòn là 85 triệu đôla, phần còn lại là tiền lãi, và chi phí phát sinh trượt giá.
II – Ý nghĩa việc kế thừa trả nợ
Theo nhận định của chúng tôi, việc nhà cầm quyền chế độ đương thời Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) trả nợ thay cho chế độ VNCH thời chiến tranh Quốc-Cộng (1954-1975) mang hai ý nghĩa sau đây:
1 – Ý nghĩa quan hệ ngoại giao mang tính kế thừa quyền lợi và nghĩa vụ song phương hay đa phương
Theo tập quán hay thông lệ bang giao quốc tế, khi một quốc gia có thay đổi chính quyền hay thể chế chính trị bình thường (theo Hiến pháp và luật pháp quốc gia…) hay bất thường (đảo chính hay dùng bạo lực cướp chính quyền…), nếu muốn tiếp tục giữ quan hệ ngoại song phương (giữa hai quốc gia) hay đa phương (với liên minh chính trị quân sự của nhiều quốc gia hay tổ chức kinh tế tài chính quốc tế…), thì chính quyền hay chế độ mới sẽ kế thừa mọi tích sản (được thủ đắc những quyền lợi đang có với các nước bang giao…) cũng như tiêu sản (trách nhiệm thanh toán những món nợ mà chính quyền, chế độ trước đã vay…).
Nhưng nếu không muốn tiếp tục quan hệ ngoại giao vốn có trước đó với chính quyền hay chế độ cũ, chính quyền hay chế độ mới có thể từ chối thi hành trách nhiệm kế thừa chế độ mới. Các quốc gia chủ nợ có thể phản ứng bằng các biện pháp (1) cấm vận, cắt đứt quan hệ ngoại giao (2) khởi kiện trước tòa án quốc tế có thẩm quyền để đòi nợ, (3) trừng phạt bằng biện pháp quân sự.
Trường hợp Việt Nam có phức tạp hơn. Cuộc chiến tranh Quốc – Cộng giữa những người Việt Nam theo ý thức hệ quốc gia và những người Việt Nam theo ý thức hệ cộng sản, lồng trong bối cảnh cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu giữa hai phe cộng sản chủ nghĩa đứng đầu là Liên Xô (với sự cạnh tranh bá chủ của Trung Quốc) và phe tư bản chủ nghĩa đứng đầu là Hoa Kỳ.
Sau hiệp định Genève 1954 chia đôi Việt Nam, bắc vĩ tuyến 17 theo chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa (XHCN), dưới bảng hiệu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngụy dân chủ, ngụy cộng hòa, ngụy dân tộc từ thời kháng chiến chống Pháp để che đậy bộ mặt CS). Miền Bắc cộng sản trở thành tiền đồn phe XHCN, nhận viện trợ vũ khí lương thực, hậu cần của Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN (viện trợ không hoàn lại hay hoàn lại), phát động chiến tranh xâm chiếm Miền Nam, cộng sản hóa cả nước, thực hiện tham vọng của cộng sản quốc tế cộng sản hóa toàn cầu.
Trong khi Nam vĩ tuyến 17 theo chế đô tự do dân chủ, quốc hiệu Việt Nam Cộng Hòa. Miền Nam quốc gia trở thành tiền đồn phe tư bản chủ nghĩa, đứng đầu là Hoa Kỳ, nhận viện trợ vũ khí lương thực, hậu cần của Hoa Kỳ và các nước đồng minh (viện trợ không hoàn lại hay hoàn lại), thực hiện cuộc chiến tranh tự vệ nhằm ngăn chặn, đẩy lùi cuộc chiến tranh ngụy dân tộc, dưới ngọn cờ ‘chống Mỹ cứu nước, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước’ của Cộng Sản Bắc Việt (CSBV).
Cuộc chiến tranh giữa hai phe (XHCN và TBCN) bốn bên (Liên Xô và phe XHCN, CSBV, Hoa Kỳ và các nước đồng minh, Quốc Gia Việt Nam (QGNV)) đã kết thúc vào ngày 30-4-1975, với bên thắng cuộc là cộng sản Bắc Việt đã bỏ bảng hiệu mặt nạ ngụy dân tộc ‘Việt Nam dân chủ cộng hòa’, lấy quốc hiệu đúng thực chất cộng sản ‘Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam’. Bên thua cuộc là quốc gia Nam Việt quốc hiệu Việt Nam Cộng Hòa bị tan rã.
Ngay sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh đã cấm vận triệt để Việt Nam dưới chế độ cộng sản. Vì chế độ này đã dùng bạo lực quân sự thôn tính Miền Nam, thống nhất đất nước, vi phạm trắng trợn Hiệp định Praris ngày 27-1-1973 về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình cho Việt Nam ngày. (quy định thống nhất đất nước hòa bình thông qua thương lượng giữa hai Miền Bắc và Miền Nam…)
Cuộc chiến Việt Nam chấm dứt sau 20 năm (1975-1995), do yêu cầu thay đổi chiến lược toàn cầu mới của các cường quốc nói chung. Hoa Kỳ khởi sự thực hiện đối sách hậu chiến tranh lạnh với Việt Nam và các quốc gia trong vùng để thành đạt ý đồ chiến lược trong khu vực của mình. Do đó, sau nhiều nỗ lực âm thầm thương thảo đôi bên để giải quyết những trở ngại cơ bản (tìm kiếm hài cốt người Mỹ mất tích trong chiến tranh gọi tắt là POW/MIA, Việt Nam rút quân khỏi Kampuchia, cải thiện nhân quyền…) Hoa Kỳ đã bãi bỏ cấm vận, thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào ngày 12-7-1995. Sau đó tiếp tục giải quyết những trở ngại thứ yếu khác, trong đó có vấn đề kế thừa trả món nợ Việt Nam Cộng Hòa vay của Hoa Kỳ như trong hiện vụ. Đây là món nợ được đôi bên công nhận là chính đáng, không có khoản vay nào được sử dụng để tài trợ cho các hoạt động quân sự trong chiến tranh Việt Nam (thuộc viện trợ không hoàn lại, khác các khoản vay mượn trong chiến tranh phải hoàn lại).
Vì vậy, hai năm sau khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao, vào ngày 7/4/1997, Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Robert Rubin lúc đó, đã ký thỏa thuận tại Hà Nội về việc Việt Nam trả lại khoản nợ 145 triệu đôla của chính quyền Việt Nam Cộng hòa như một điều kiện để xúc tiến ngoại giao.
Theo thông báo ngày 7 tháng Tư, 1997 của Bộ Tài Chính Mỹ, thì Việt Nam đầu tiên đã trả ngay một khoản “downpayment” (trả trước) hơn $8.5 triệu tiền lời trong vòng 30 ngày kể từ ngày hai bên ký thỏa thuận. Sau đó, Việt Nam trả đều đặn số nợ còn lại từ tháng 7-1997 đến năm 2019 thì hết.
2 – Ý nghĩa thực tế mang tính lợi ích song phương hay đa phương, đã làm thay đổi cách nhìn và cách hành xử của giới cầm quyền một cách thích hợp, để hội nhập vào nền trật tự kinh tế quốc tế mới.
(1) – Lợi ích chiến lược song phương Mỹ-Việt và đa phương quốc tế
Việc nhà cầm quyền chế độ cộng sản CHXHCNVN chấp nhận trả món nợ quá khứ mà chính quyền quốc gia VNCH vay của Hoa Kỳ trong chiến tranh, còn mang ý nghĩa lợi ích song phương, đôi bên cùng có lợi nhiều mặt về lâu về dài. Đồng thời đem lại lợi ích cho chiến lược toàn cầu mới qua chấp nhận trả nợ kế thừa là Việt Nam chấp nhận tuân thủ luật pháp quốc tế trong nền trật tự kinh tế quốc tế mới.
Đúng như Tuyên bố khi Việt Nam đồng ý thanh toán khoản nợ này vào năm 1997, Bộ Trưởng Tài chánh Mỹ Robert Rubin nói: “Đây là một bước quan trọng trong việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước chúng ta và sự hòa nhập của Việt Nam vào hệ thống tài chính quốc tế.” Đây vốn là một trong những yêu cầu của chiến lược toàn cầu mới nhằm thiết lập một nền trật tự kinh tế quốc tế mới, hay là một hệ thống kinh tế thế giới mới… mà các nước giầu và nghèo đã có nỗ lực chung cùng hướng tới trong những thập niên qua, kể từ sau khi chấm dứt Chiến tranh Lạnh (1991-2020) trong nền trật tự kinh tế quốc tế cũ.
Những lợi ích song phương trong hiện vụ liên quan đến tài chính, thì việc Việt Nam thanh toán một món nợ nhỏ không đáng kể, thực tế đã đem lại lợi ích tài chính lớn lao hơn nhiều cho Việt Nam.
Thực tế là, từ khi thiết lập bang giao với Việt Nam vào năm 1995 cho đến nay, sau 25 năm, Hoa Kỳ liên tục tài trợ cho Việt Nam hàng trăm triệu đôla cho các chương trình y tế, giáo dục, xử lý chất độc da cam dioxin, người khuyết tật, biến đổi khí hậu… nhưng Washington vẫn kiên quyết buộc Hà Nội thanh toán khoản nợ nhỏ của chính quyền Sài Gòn và từ chối xóa món nợ này để giữ vững nguyên tắc quan hệ ngoại giao quốc tế. Chính phủ Mỹ cho biết trong vòng hơn 20 năm qua, Hoa Kỳ đã hỗ trợ Việt Nam tổng cộng hơn 1,8 tỷ đôla, riêng trong lĩnh vực y tế có hơn 706 triệu đôla. Nếu so với trả món nợ kế thừa 145 dollar nào có đáng chi?
(2) – Chính vì những khó khăn thực tế nhà cầm quyền chế độ CSVN đã nhìn ra được lợi ích chiến lược song phương cũng như đa phương để thay đổi cách hành xử phù hợp với trách nhiệm kế thừa theo thông lệ, tập quán ngoại giao quốc tế.
Thật vậy, báo Quốc tế dẫn lời Đại sứ Việt Nam Hoàng Vĩnh Thành cho biết ‘Ngay sau 1975, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ra tuyên bố tịch thu vô điều kiện các tài sản của Mỹ ở Nam Việt Nam và không thừa nhận mọi khoản nợ của chế độ cũ..’ (Chính phủ CMLTCHMNVN và Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam đều là công cụ chính trị, quân sự của CSBV trong chiến tranh thôn tính, cộng sản hóa Miền Nam)
Hãng tin AP viết: ‘Lúc đầu, Việt Nam từ chối thanh toán các khoản vay này, nhưng sau đó đã đổi ý vì muốn được Washington tạo thuận lợi để khuyến khích đầu tư nước ngoài.’
Luật sư Đặng Đình Mạnh nhận định trên Facebook cá nhân: “Ngay từ sau ngày 30/04/1975, nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã phủ nhận nghĩa vụ thanh toán nợ vay của nhà nước Việt Nam Cộng Hòa, bằng cách viện dẫn học thuyết “món nợ ô nhục”.
Luật sư Đặng Đình Mạnh viết thêm: “Sau những cuộc vận động bình thường hóa quan hệ ngoại giao với các quốc gia phương tây, nhà nước CHXHCN Việt Nam đã phải từ bỏ quan điểm nêu trên và chấp nhận sự thừa kế quốc gia đối với các khoản nợ được vay bởi nhà nước Việt Nam Cộng Hòa.”
Sự nhượng bộ này được phía Việt Nam gọi là sự “linh hoạt trên nguyên tắc” hay “vận dụng linh hoạt có nguyên tắc luật pháp quốc tế theo đúng phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”” và lúc bấy giờ phía Mỹ khuyến nghị Hà Nội “không nên giữ quan điểm cứng rắn nữa mà nên nhìn vào tương lai quan hệ hai nước để đi tới giải pháp.”
III – Thay lời kết
Phải chăng nhà cầm quyền cộng sản CHXHCNVN đã làm theo khuyến nghị này của Hoa Kỳ? Từ đó đã nhìn vào tương lai, sau 20 năm xây dựng thử nghiệp mô hình XHCN không tưởng bị thất bại hoàn toàn và vĩnh viễn; để nhờ đó rút kinh nghiệm, tìm cách vượt qua mọi trở ngại, thiết lập được quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ?
Từ đó và nhờ đó, sau 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Hòa Kỳ, thực hiện chính sách ‘Mở cửa’ Việt Nam đã có được trình độ phát triển nhiều mặt, nhất là mặt kinh tế, để có bộ mặt phồn vinh như hôm nay. Thế nhưng tương lai Việt Nam sẽ tốt đẹp và hoàn chỉnh hơn nếu trong ‘môi trường mật ngọt kinh tế thị trường’ tiến trình dân chủ hóa Việt Nam sớm kết thúc. Để nhân dân Việt Nam thuộc mọi giai tầng xã hội (chứ không riêng chỉ có giai cấp có ưu quyền đặc lợi) được sống trong “Độc lập – Tự do – ấm no – hạnh phúc’ thực sự, không còn là khẩu hiệu tuyên truyền mị dân của các nhà cầm quyền như bấy lâu nay.
Thiện Ý
Houston, ngày 30-7-2020.
Nguồn: https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-tra-no-viet-nam-cong-hoa-chien-tranh/5528979.html
Be the first to comment