Hoàng Thủy Ngữ: Đảng Phái Lựa Chọn Cử Tri Hay Cử Tri Lựa Chọn Đảng Phái?

Tranh biếm họa “khoanh vùng để thao túng bầu cử”

Qua cuộc bầu cử giữa kỳ (Midterm Election 2018) lần này tại Hoa Kỳ và theo dõi cách tổ chức bầu cử của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, một câu hỏi được đặt ra là làm cách nào để các đảng phái và nhân sự chính trị chiếm đa số cử tri trong khu vực?
Theo dõi các cuộc bỏ phiếu tại Mỹ bầu Tổng thống, Lập pháp ở cấp trung ương, hay Thống đốc, Lập pháp tiểu bang và đại diện các Hội đồng địa phương, các đảng phái áp dụng phương pháp Gerrymander hay Gerrymandering, có nghĩa là “khoanh vùng để thao túng bầu cử”.

Khoanh vùng để thao túng bầu cử là gì?

Theo định nghĩa của:
– Cambridge dictionary: Khi có cơ hội, giới chức có thẩm quyền thay đổi làn ranh ảnh hưởng của mình để gia tăng số lượng cử tri trong khu vực có thể bầu cho đảng phái của mình.
(an occasion when someone in authority changes the borders of an area in order to increase the numder of people within that area who will vote for a particular party).
– Merriam-Wester: phân chia hoặc sắp xếp (một đơn vị lãnh thổ) thành các khu vực bầu cử để cung cấp cho đảng phái chính trị của mình tranh thủ một khối lượng lớn cử tri trong khi giảm thiểu sức mạnh tranh thủ cử tri của phe đối lập xuống càng ít càng tốt.
(to devide or arrange (a territorial unit) into election districts to give one political party an electoral majority in a large number of districts while concentrating the voting strength of the opposition in as few districts as possible).
Thuật ngữ “Gerrymandering” có nguồn gốc từ tờ báo Boston Gazette phát hành tháng Ba năm 1812. Nó được dùng sau khi tiểu bang Massachusetts vẽ lại ranh giới một số quận dưới thời thống đốc Elbridge Gerry. Nhiều người cho rằng các quận có hình giống như con kỳ nhông.
Gerrymander là sự kết hợp Gerry (tên người khởi xướng khoanh vùng) + mander (có nghĩa là bắt chước như con tắc kè thay đổi màu da salamander để thích ứng với nơi cư trú), để ám chỉ thủ thuật “Khoanh vùng để thao túng bầu cử”
“Gerrymandering thực ra không nên áp dụng trong nền Dân chủ hiện đại. Đây là một hệ thống tham nhũng không thể che chỡ hay biện hộ cho nó”, theo Rew Penrose, giám đốc luật và chính sách của tổ chức Fair Vote. Tổ chức này muốn có một hệ thống bầu cử công bằng hơn.
Và cũng theo lời Gary Nordlinger, giáo sư chính trị học tại George Washington University: “Gerrymandering đã khiến cuộc bầu cử giữa kỳ lần này có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Điều quan trọng nhất không phải là người nắm quyền kiểm soát Quốc hội ở Washington D.C., mà là ai nắm giữ chức vụ thống đốc tại các tiểu bang và ai là người thắng trong các cuộc bầu cử hội đồng địa phương. Những người này có đủ thẩm quyền để làm thay đổi làn ranh ảnh hưởng của các khu vực bầu cử và tất cả các cuộc bầu cử quốc hội liên bang cho tới năm 2030”.

Thủ thuật khoanh vùng để thao túng bầu cử

Sự hiểu biết về thuật ngữ Gerrymandering (khoanh vùng để thao túng bầu cử) rất cần thiết bởi lẽ nó tác động trực tiếp đến quyết định của cử tri trong việc chọn ai sẽ là người soạn thảo hay thông qua các sắc luật liên quan đến cuộc sống của họ trong những năm tháng sắp tới.
Một cách vắn tắt, Gerrymandering là cách vạch ra những khu vực bầu cử có lượng cử tri ủng hộ đảng mình nhiều hơn các đảng phái khác và tìm cách lôi kéo các cử tri khác bằng những thủ thuật chính trị. Với chế độ lưỡng đảng hiện nay, và qua các hình thức tổ chức bầu cử của cả hai đảng chính, nước Mỹ nằm trong trường hợp này.
Nếu muốn biết ai là người có quyền lực lớn ở Hoa Kỳ trong những năm sắp tới, thì cứ theo dõi những người đang nắm quyền lực tại các tiểu bang sau đợt bầu cử giữa kỳ vừa qua.
Ở cấp trung ương (Liên bang), bầu cử Hạ viện, một trong hai viện trong cơ quan lập pháp tại Washington DC, với tổng số 435 dân biểu, diễn ra mỗi hai năm một lần. Thượng viện với 100 ghế Thượng nghị sĩ cũng thế: nhiệm kỳ của mỗi thượng nghị sĩ là sáu năm; các nhiệm kỳ được phân chia sao cho khoảng 1/3 số ghế sẽ bị trống để được bầu bổ sung cứ hai năm một lần.

Cách phân ranh giới này khiến bản đồ các quận nhiều khi có hình thù rất quái dị.

Ở cấp địa phương (Tiểu bang), từ thập niên 1960, mỗi tiểu bang được chia ra thành nhiều quận với số dân cư bằng nhau. Sau đó một đại diện từ mỗi quận được bầu vào Hạ viện. Điều này có nghĩa là mỗi dân biểu đại diện cho số người trong khu vực ảnh hưởng của mình và tiểu bang đông dân nhất sẽ có nhiều đại diện nhất.
Việc kiểm tra dân số là bước đầu và rất quan trọng để thực hiện việc khoanh vùng. Nhưng dân số các quận thay đổi theo thời gian nên cứ mỗi 10 năm lại có cuộc kiểm tra dân số. Lần tới sẽ thực hiện vào năm 2020. Các quận sẽ được vẽ lại vào năm 2021 và sẽ có số lượng dân cư bằng nhau.
Các chính khách tại 36 trong 50 tiểu bang sẽ tiến hành cuộc bầu cử. Và đảng đang nắm quyền trong mỗi tiểu bang sẽ quyết định ranh giới các quận trong tiểu bang mở rộng đến đâu.
Trong cuộc bầu cử giữa kỳ lần này, 36 tiểu bang sẽ chọn các thống đốc và các đại diện hội đồng địa phương. Nhiệm kỳ của họ là 4 năm. Điều này có nghĩa là những người này hầu như có toàn quyền vẽ lại các quận vào năm 2021 và bản vẽ sẽ có hiệu lực thêm 10 năm nữa, đến năm 2031.

Đây là chuyện dẫn đến cái mà nhiều người cho là “vấn đề của nền dân chủ”.

Cách phân chia Gerrymander để chiếm phần thắng trong cuộc bầu cử

Một thí dụ để hiểu được “vấn đề” này: Một tiểu bang có 50 người, chia ra thành 5 quận. Mỗi quận có 10 người và 10 người này sẽ chọn ra 1 người đại diện. Tổng cộng là 5 người. Sau cuộc bầu cử, Đảng Dân chủ chiếm 60% số phiếu và đảng Cộng hòa 40%. Đảng Dân chủ nắm quyền và sẽ cho vẽ lại ranh giới các quận để có được số cư dân đông hơn và như vậy sẽ được cả 5 đại diện mặc dù chỉ có 60% cử tri ủng hộ.
Ngược lại, nếu đảng Cộng hòa nắm quyền, với một chút “sáng tạo”, họ cũng cho vẽ lại ranh giới để được đa số dân cư bằng cách dồn phần lớn cử tri Dân chủ vào một vài quận và chia số cử tri Dân chủ còn lại vào các quận khác, nơi có tỷ số luôn ít hơn 1/2.
Nếu đảng Dân chủ thắng lớn ở 2 quận nhưng thua sát nút ở 3 quận, kết quả là 3 cho Cộng hòa và hai cho Dân chủ, mặc dù số phiếu ủng hộ Cộng hòa trên toàn tiểu bang ít hơn rất nhiều.
Chính sự kiểm tra dân số đã giúp đảng Cộng hòa thắng lớn trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào năm 2010. Họ thắng ở nhiều địa phương các tiểu bang nên có điều kiện để phối trí lại ranh giới các quận theo ý muốn.
Một trường hợp đã xảy ra trong thực tế tại quận 7 tiểu bang Pennsylvania năm 2012. Trong cuộc bầu cử quốc hội, đảng Dân chủ chiếm được 50% số phiếu tiểu bang nhưng chỉ được 18 chỗ ngồi tại Hạ viện tiểu bang. Số ghế nhiều hơn còn lại thuộc đảng Cộng hòa mặc dù đảng này chỉ được 49% phiếu bầu. Quận 7 đã đảo ngược tình thế.
Cả hai đảng đều áp dụng gerrymandering nếu có cơ hội hay thời cơ đã đến. Cộng hòa thường “nhúng chàm” vì họ chiếm đa số tại các tiểu bang trong đợt kiểm tra dân số lần trước. “Tôi bảo đảm là đảng Dân chủ cũng sẽ làm giống thế nếu có cơ hội”, Gary Nordlinger quả quyết như vậy.

Rất nhiều người đã nhận ra “vấn đề” khoanh vùng này và muốn thay đổi nó.

Việc vẽ lại ranh giới các quận là cái lợi lớn cho đảng cầm quyền và nhiều người đại diện. Đảng Cộng hòa đã khai thác triệt để cách chia lại ranh giới các quận và đã thắng lớn tại nhiều tiểu bang năm 2010. Từ đó xảy ra chuyện buồn cười trong chính trường. Gary Nordlinger kể rằng: “Các chính khách thường lo bị thua trong đợt bầu cử sơ bộ hơn là trong cuộc bầu cử chính thức, bởi lẽ họ biết ranh giới các quận đã bị vẽ lại nên khó có thể hạ gục đối thủ”.
Hiện nay 14 tiểu bang đã quyết định không cho phép các người đại diện vẽ lại ranh giới các quận và giao việc làm này cho một hội đồng độc lập.
California, tiểu bang lớn nhất nước Mỹ, đã quyết định hủy bỏ quyền này từ năm 2008.
Cho đến ngày nào quyền khoanh vùng chưa bị bãi bỏ trên toàn nước Mỹ, nó vẫn là cái cách các chính trị gia chọn cử tri thay vì cử tri chọn họ. Cũng may là rất nhiều người đã nhận ra “vấn đề” này và muốn thay đổi nó. Dân chủ rồi sẽ lên tiếng và cuối cùng quyết định sẽ thuộc về người dân.

Hoàng Thủy Ngữ

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*