Tài Liệu Giải Mật Cho Thấy TNS Biden Không Chống Di Tản Người Việt Năm 1975

Cựu Phó Tổng Thống Joe Biden, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân Chủ năm 2020. (Hình: AP Photo/Andrew Harnik)

WESTMINSTER, California (NV) – Sự thật là ông Joe Biden không chống người tị nạn Việt Nam vào Mỹ năm 1975 mà chào đón họ.

Phần lớn những người cổ xúy cho câu chuyện ông Joe Biden không chấp nhận người tị nạn Việt Nam vào thời điểm Sài Gòn sụp đổ năm 1975 đều dựa vào bài viết “‘The US has no obligation’: Biden fought to keep Vietnamese refugees out of the US” của tác giả Jerry Dunleavy, đăng ngày 4 Tháng Bảy, 2019, trên tờ Washington Examiner.

Xem link ở đây: https://www.washingtonexaminer.com/news/the-us-has-no-obligation-biden-fought-to-keep-vietnamese-refugees-out-of-the-us

Sau đó, bài báo được dịch giả Nguyễn Trọng Dân “lược dịch” với tựa đề “Ứng cử viên TT Joe Biden từng tìm đủ cách ngăn chặn người dân VNCH tị nạn tại Hoa Kỳ năm 1975,” đăng trên báo mạng Người Việt Dallas-Forth Worth ngày 19 Tháng Mười Một, 2019.

Xem link ở đây: https://www.nguoivietdallas.com/ng-c-vin-tt-joe-biden-tng-tm-cch-ngn-chn-ngi-dn-vnch-t-nn-ti-hoa-k-nm-1975?fbclid=IwAR2_Z0ql1bvh0MUqSTQ1NulycIzOC7a5J0IYDwrRqgjvUvbAusXPAcSQuz8

Bài viết của ông Jerry Dunleavy là một “mánh khóe” bịa đặt lịch sử, bằng cách dùng thủ thuật “take out of context,” tức là “trích ngang” một câu nói ra khỏi tình tiết này, rồi đặt vào một tình tiết khác của câu chuyện để bóp méo sự thật.

Phóng viên Người Việt có tìm cách liên lạc với ông Jerry Dunleavy qua nhiều hình thức khác nhau, và có bằng chứng cho thấy ông nhận được, nhưng ông chưa hồi đáp.

Chúng tôi cũng liên lạc với tòa soạn tờ Washington Examiner, nhắn tin trên Twitter, và gởi một lá thư với đầy đủ câu hỏi vào tài khoản trang Messenger cho tác giả, nhưng trải qua ba tuần vẫn không thấy hồi âm.

Ngoài ra, chúng tôi cũng có liên lạc với tòa soạn báo mạng Người Việt Dallas-Forth Worth xin được phỏng vấn dịch giả Nguyễn Trọng Dân.

Ông Thái Hóa Lộc, chủ bút tờ báo ở Texas này, nói rằng: “Tác giả sống ở San Jose, California. Lâu nay cũng không liên lạc với tôi. Để tôi tìm cách liên lạc với anh ấy, rồi cho tòa soạn Người Việt biết.”

Tuy nhiên, khi bài báo lên khuôn, nhật báo Người Việt chưa nhận được hồi âm của ông Lộc, cũng như dịch giả Nguyễn Trọng Dân.

Mục đích

Trong bài phân tích này, người viết sẽ phơi bày những “trích ngang” và cách làm việc thiếu chuyên nghiệp của tác giả, nhằm mục đích trả lại “sự thật lịch sử.”

Đương nhiên, trong bối cảnh tranh cử tại Hoa Kỳ hiện nay, sẽ có chỉ trích là thiên kiến, nhưng “Sự Thật” phải được tôn trọng và ghi nhận.

Bên nào hưởng lợi hay bất lợi qua bài phân tích này không nằm trong chủ đích của người viết.

“Trích ngang” là gì?

Những tố cáo cựu Thượng Nghị Sĩ Joe Biden, vào năm 1975, nhất quyết không cho người Việt tị nạn vào Hoa Kỳ đều là những lời “bình luận” (tức là “ý riêng” hay “chủ ý”) chứ không phải là tuyên bố hay hành động của ông Biden.

Trong bài viết của tác giả Dunleavy, những lời “bình luận” kiểu này đều trưng dẫn “bằng chứng” theo cách “trích ngang” câu nói của ông Biden một thời điểm nào đó, rồi “gắn” vào thời điểm khác, hòng phù hợp với lập luận mà người viết muốn tuyên truyền cho chủ đích tạo ấn tượng xấu cho vị thượng nghị sĩ.

Một ví dụ rất rõ về hậu quả sai lạc của việc “trích ngang” là chuyện Tào Tháo giết Lã Bá Xa, trong Tam Quốc Chí mà nhiều người biết.

Chuyện rằng, Tào Tháo trên đường trốn chạy, ghé vào nhà ông Lã Bá Xa, bạn thân thiết của cha mình, để xin tá túc.

Dù biết Tào Tháo vì giết hụt Đổng Trác nên phải bỏ trốn, Lã Bá Xa vẫn không lo sợ, mà còn mời Tào Tháo ở lại và đãi tiệc.

Nhà hết rượu, ông Lã lật đật chạy đi mua ở xóm trên.

Tào Tháo ngồi nhà, chợt nghe tiếng mài dao phía sau, sinh nghi, rón rén rình, thì nghe được câu: “Trói lại rồi giết.”

Tào Tháo phát hoảng, rút kiếm xông vào nhà sau giết hết tám người, rồi mới thấy có một con heo đang bị trói chờ thọc tiết.

Lúc đó, Tào Tháo mới vỡ lẽ sự thật câu “trói lại rồi giết” là nói về vụ làm thịt con heo để mở tiệc đãi mình.

Nếu họ Tào nghe được chuyện những gia nhân kia bàn vụ giết heo, hay nghe ông Lã Bá Xa ra lệnh giết heo, thì ông đã không giết người.

Ví dụ này, cho thấy, khi một câu không đặt đúng thời điểm được nói ra, người nghe nhận được một câu chuyện hoàn toàn khác sự thật và sẽ đưa ra phản ứng với những hậu quả vô cùng tệ hại.

Tác giả Jerry Dunleavy là ai?

Hồi năm 2016, ông Dunleavy là một tình nguyện viên làm việc cho ban tranh cử của Thượng Nghị Sĩ Ted Cruz (Cộng Hòa-Texas), tin rằng ứng cử viên này là một Ronald Reagan của thời đại (Nguồn: https://news.yahoo.com/meet-young-people-stormed-iowa-143700777.html).

Là một nhà hoạt động chính trị, nên quan điểm và dụng ý trong bài viết của tác giả Dunleavy lộ rõ thiên kiến, không như nhà báo chuyên nghiệp.

Nhằm chứng minh quan điểm Thượng Nghị Sĩ Joe Biden chống người tị nạn Việt Nam, ông Dunleavy dùng những câu nói của ông Biden được ghi lại trong biên bản cuộc họp mật ngày ngày 14 Tháng Tư, 1975, tại Tòa Bạch Ốc giữa Tổng Thống Gerald Ford, Ngoại Trưởng Henry Kissinger, Bộ Trưởng Quốc Phòng James R. Schlesinger, ông Philip Habib, phụ tá ngoại trưởng đặc trách Đông Á-Thái Bình Dương, và Ủy Ban Ngoại  Giao Thượng Viện, mà Thượng Nghị Sĩ Joe Biden là thành viên.

Biên bản cuộc họp có thể tìm thấy trong thư viện Tổng Thống Gerald Ford qua link này: https://www.fordlibrarymuseum.gov/library/document/0314/1553026.pdf

hoặc trong tập tài liệu lưu trữ của Bộ Ngoại Giao, FOREIGN RELATIONS OF THE UNITED STATES 1969–1976, VOLUME X, VIETNAM, JANUARY 1973– JULY 1975, trang 817-820.

Tài liệu giải mật nói về cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc ngày 14 Tháng Tư, 1975, bàn chuyện di tản người Việt Nam. (Hình: Người Việt)

Trong cuộc họp mật này, ban tham mưu của Tổng Thống Ford bàn với Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện về việc tìm giải pháp và ngân sách để đưa quân đội Mỹ vào di tản nhân viên dân sự và quân sự người Mỹ, công dân Mỹ và những người Việt thân cận/đồng minh ra khỏi Việt Nam trước khi Sài Gòn rơi vào tay Cộng Quân.

Xin lập lại chi tiết vừa nêu, một trong những vấn đề của cuộc họp là bàn cách “di tản” người Việt đồng minh của Mỹ và cần chi phí bao nhiêu cho chiến dịch này, không phải là cuộc họp để nhận hay không nhận người tị nạn Việt Nam.

Một vài sự khác biệt của bản tiếng Anh và bản lược dịch tiếng Việt

Trong bài phân tích này, người viết dẫn chứng cả hai nguồn từ bài của tác giả Dunleavy và dịch giả Nguyễn Trọng Dân để đối chiếu.

Đa số người Việt đọc và chuyền nhau bản tiếng Việt, nên cũng cần phân tích sự khác biệt của bản nguồn và bản dịch.

Có hai khác biệt đáng chú ý nhất.

1- Khác biệt thứ nhất

Câu mở đầu của ông Dunleavy viết: “Joe Biden, the 2020 Democratic presidential front-runner and advocate of large-scale immigration, once tried to block the evacuation of tens of thousands of South Vietnamese refugees who had helped the United States during the Vietnam War.”

Dịch giả Nguyễn Trọng Dân viết: “Joe Biden, hiện đang là ứng cử viên tổng thống của đảng Dân Chủ năm 2020 và cũng là người hiện nay ủng hộ quy chế nhập cư rộng rãi, nhưng ông đã từng cố gắng tìm đủ cách ngăn chặn hàng chục ngàn người dân Việt Nam Cộng Hòa làm việc cho chính phủ Hoa Kỳ được tị nạn vào Mỹ ngay năm 1975.”

Để ý câu ông Dunleavy viết: “Once tried to block the evacuation of ten of thousand of South Vietnamese refugees.” Có hai chữ cần lưu ý, “once”“evacuation,” vì trong bản dịch tiếng Việt khác hẳn nguyên bản.

“Once,” theo tự điển Longman là: “on one occasion only,” nghĩa tiếng Việt là: “chỉ có một lần thôi.”

Chắc chắn, người Việt tị nạn đều “sôi máu” khi đọc bản dịch bằng tiếng Việt, trích “nhưng ông (Biden) đã từng cố gắng tìm đủ cách…”

Trong bản tiếng Anh không có chữ “tìm đủ cách,” phần dịch sang Việt ngữ này tạo cảm giác là ông Biden đã “nhiều lần, nhiều cách,” nhưng thực ra ông Dunleavy chỉ viết “once.”

“Evacuation,” theo tự điển Longman là: “to send people away from a dangerous place to a safe place,” nghĩa tiếng Việt là: “di tản, đưa người ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.”

Như vậy, câu mở đầu của Dunleavy nên được dịch như sau: “Joe Biden, ứng cử viên tổng thống hàng đầu của đảng Dân Chủ năm 2020 và nhà vận động quy chế nhập cư rộng rãi, đã từng (một lần) cố gắng ngăn chặn di tản hàng chục ngàn người tị nạn Nam Việt Nam, những người đã giúp Hoa Kỳ trong cuộc chiến Việt Nam.”

Dù câu này, chỉ mang chủ kiến của tác giả Dunleavy, chưa dẫn chứng gì cả, nhưng theo ngôn ngữ của bản tiếng Việt dịch, dịch giả đã “bóp méo” câu nguyên bản.

2- Khác biệt thứ nhì

Tác giả Dunleavy viết: “Biden said US allies should not be rescued: ‘We should focus on getting them [the US troops] out. Getting the Vietnamese out and military aid for the GVN [South Vietnam’s Government] are totally different.’”

Bản tiếng Việt của Nguyễn Trọng Dân dịch: “Biden lại cho rằng không cần thiết phải quan tâm đến đồng minh Việt Nam Cộng Hòa: ‘Chúng ta nên cần tập trung vào việc đưa quân đội Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam. Di tản người dân Việt ra ngoài cho an toàn và viện trợ quân sự cho Việt Nam Cộng Hòa là không cần thiết.’”

Xin chú ý các chữ được tô đậm “totally different” có nghĩa là “hoàn toàn khác biệt” lại được dịch thành “không cần thiết.”

Như vậy, khi chuyển ngữ bài của tác giả Dunleavy sang tiếng Việt, dịch giả đã đánh tráo ý nghĩa của chữ trong bản gốc, để thay đổi hoàn toàn chủ đích của câu nói, gán người nói vào một hậu ý khác của người dịch.

Các dẫn chứng thủ thuật “trích ngang” của tác giả Dunleavy

Khi dùng thủ thuật “trích ngang” tác giả đã “bóp méo” hoàn toàn câu chuyện hay nói khác hơn là ngụy tạo một câu chuyện mới, không đúng với sự thật đã xảy ra.

1- “Trích ngang” thứ nhất: Lấy bài diễn văn của Tổng Thống Ford nói vào ngày 6 Tháng Năm, 1975, chuyển nội dung thành “Tháng Tư, 1975” (không đề ngày).

Tác giả Dunleavy viết về hoàn cảnh toàn bộ sự việc như sau:

“In April 1975, ‘Ford argued’ that, as the last American troops were removed from the country, the US should evacuate the South Vietnamese who had helped the US during the war, too.”

Bản dịch của ông Nguyễn Trọng Dân:

“Vào Tháng Tư, 1975, Tổng Thống Ford lập luận rằng, khi những người lính Mỹ cuối cùng rút khỏi Việt Nam thì cũng là lúc Hoa Kỳ nên di tản những người miền Nam đã cộng tác với Hoa Kỳ suốt chiều dài cuộc chiến.”

Trong câu đầu, tác giả Dunleavy viết: “In April 1975, Ford argued that (Vào Tháng Tư, 1975, Tổng Thống Ford lập luận…).

Xin chú ý chữ “Ford argued” được nối với link dẫn đến một video chiếu cảnh Tổng Thống Ford trong một cuộc họp báo ngày 6 Tháng Năm, 1975 chứ không phải trong Tháng Tư, 1975 như ông Dunleavy viết (https://vimeo.com/16418106).

Như vậy, ông Biden không thể nào phản đối để có cuộc họp ngày 14 Tháng Tư, 1975, thời điểm xảy ra 22 ngày trước khi ông Ford gặp báo chí.

2- “Trích ngang” thứ nhì: Chữ “them” là quân đội Mỹ hay người Việt quốc gia?

Ông Dunleavy viết về một câu nói của ông Biden như sau:

“Ngoại Trưởng Henry Kissinger, người đứng đầu cuộc họp, nói với các thượng nghị sĩ rằng, tổng số danh sách những người dân Việt Nam Cộng Hòa có thể bị Cộng Sản giết hoặc bị nguy hiểm là khoảng hơn một triệu người và trong số này, danh sách tối thiểu cần phải di tản không thể giảm được là 174,000 người dân.

Biden lại cho rằng không cần thiết phải quan tâm đến đồng minh Việt Nam Cộng Hòa: ‘Chúng ta nên tập trung vào việc đưa quân đội Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam. Di tản người dân Việt ra ngoài cho an toàn và viện trợ quân sự cho Việt Nam Cộng Hòa là không cần thiết.’”

Tác giả Dunleavy cố tình sắp xếp lời nói của ông Kissinger về việc di tản người Việt miền Nam, trước lời nói của ông Biden, và chú thích chữ “them” ám chỉ quân đội Hoa Kỳ, là hoàn toàn không chính xác.

Trong cùng cuộc họp, ở lượt nói thứ 8, ông Kissinger cho biết có danh sách hơn 1 triệu người Việt Nam trong cảnh nguy hiểm và có một danh sách 174,000 người không thể giảm thiểu.

Còn câu nói của ông Biden mà ông Dunleavy trích dẫn ở trên là lượt nói thứ 30.

Đây là điển hình rõ ràng nhất của thủ thuật “trích ngang” mà ông Dunleavy sử dụng, dùng câu nói lượt thứ 30 của ông Joe Biden gắn vào ngữ cảnh của lượt nói thứ 8 của ông Kissinger.

Do đó, chữ “them” mà Dunleavy chú thích là “quân đội Hoa Kỳ,” thực chất là một sự đánh tráo ý nghĩa câu nói của ông Biden.

Trả lại sự thật lịch sử

Ông Biden nói lượt thứ 30. Trích dẫn các lượt nói 28, 29, và 30, để thấy “them” mà ông Biden dùng, nói về người Việt, chứ không phải là nói về quân đội Mỹ.

Tạm dịch:

“- 28 Church: Tôi nghĩ rằng nếu cần dùng tiền để rút người Mỹ ra, chuyện này có thể làm được. Điều chưa làm được là di tản người Việt. Ngoại Trưởng Kissinger nói là có khoảng 175,000 người. Rõ ràng là không có luật nào cấm nếu đem một số người Việt đi chung với người Mỹ, nhưng với 175,000 người, và cần đến quân đội Mỹ, chuyện này có thể kéo chúng ta vào cuộc chiến rất lớn. Chuyện này biến thành một nỗi ám ảnh một cuộc chiến tranh mới, với hàng ngàn lính Mỹ bám trụ trong một vùng đất bị bao vây trong một thời gian dài.

– 29 Tổng Thống Ford: Chuyện này không thể để lâu mà phải càng nhanh và chính xác càng tốt.

– 30 Biden: Điều làm chúng tôi quan tâm là hồi tuần trước Phụ Tá Ngoại Trưởng Habib nói có thể lập ra một kế hoạch. Một tuần lễ đã qua và không có cái gì hết. Chúng ta nên chú trọng vào việc rút họ (người Việt) ra. Nhưng, rút người Việt ra và chuyện viện trợ quân sự cho VNCH là hoàn toàn khác nhau.”

Trích dẫn lượt nói 28-29-30, để thấy “them” mà ông Biden dùng, nói về người Việt, chứ không phải là nói về quân đội Mỹ. (Hình: Người Việt)

Rõ ràng, trong lời thoại số 28, Thượng Nghị Sĩ Frank Church nói chuyện rút người Mỹ ra là khả dĩ, ông chỉ quan tâm đến việc rút 175,000 người Việt, có thể dẫn đến một cuộc chiến, mà trong đó hàng ngàn quân nhân Mỹ bị bao vây.

Hiểu rõ những âu lo mà ông Church nói, Tổng Thống Ford nhấn mạnh, phải hành động thật nhanh và chính xác trong việc rút người Việt ra khỏi Việt Nam với quân đội Mỹ.

Kế tiếp, ông Biden, sau khi nói không có một kế hoạch gì cả từ ông Habib, ông nhấn mạnh “nên chú trọng rút ‘họ’ ra,” theo sự mạch lạc của cuộc đối thoại từ ông Church sang ông Ford đang nói về việc rút người Việt Nam, nên rõ ràng, chữ “họ” của ông Biden, phù hợp với ông Church và Ford, ám chỉ “người Việt.”

Như vậy, ông Biden, nhắc nhở “chú trọng vào việc rút người Việt ra,” tuy nhiên, câu kế, ông muốn tách bạch rõ ràng chuyện “rút người Việt” và chuyện viện trợ quân sự cho VNCH là “hoàn toàn khác nhau.”

Thượng Nghị Sĩ Joe Biden, hồi năm 1975, ủng hộ việc di tản người Việt ra khỏi miền Nam, không giống như lập luận ngụy biện của tác giả Dunleavy, bằng cách “trích ngang,” lấy câu nói lượt thứ 30 của ông Biden nối tiếp câu chuyện của ông Church và ông Ford, nhét sau câu lượt thứ 8 của ông Kissinger.

3- “Trích ngang” thứ ba:

Ông Dunleavy viết: “Kissinger cho biết: ‘Có những người dân Việt Nam Cộng Hòa nằm trong hoàn cảnh mà chúng ta phải có bổn phận bảo vệ,’ nhưng ông Biden đã trả lời: ‘Tôi sẽ bỏ phiếu cho bất kỳ số tiền nào để đưa người Mỹ ra ngoài. Tôi không muốn điều này trộn lẫn với việc đưa người Việt ra ngoài.’”

Tác giả Dunleavy lại “trích ngang” câu nói lượt thứ 31 của Ngoại Trưởng Kissinger, chỉ lấy một phần trong câu dài hơn, rồi gắn câu trả lời được cắt ngắn, lượt thứ 32, của ông Joe Biden.

Tạm dịch:

“- 31 Kissinger: Kế hoạch để di tản người Mỹ rất tốt. Nhưng, có những báo cáo cho biết, nếu chúng ta rút và bỏ rơi họ (VNCH) trong tình trạng đảo lộn, chúng ta có thể phải đánh nhau với Nam Việt Nam. Đây là điều chúng ta lo lắng và đó là tại sao chúng tôi muốn đến với ông Thiệu để chúng ta không thực hiện chuyện di tản như là tháo chạy. Vấn đề thứ hai là rút công dân Mỹ ra là một điều khẩn cấp. Thứ ba là những người Việt mà chúng ta có bổn phận. Đây chính là điều phức tạp hơn và ở mức rộng lớn hơn. Nó đòi hỏi một sự phối hợp từ VNCH và có thể là cả Bắc Việt.

– 32 Biden: Tôi có cảm giác là bị đặt vào thế được hết hoặc không có gì. Tôi không muốn phải bỏ phiếu được tất cả hay không có gì hết. Tôi không chắc là có thể bỏ phiếu cho một số tiền để đưa quân đội Mỹ vào từ một đến sáu tháng để đem người Việt đi. Tôi sẽ bỏ phiếu bất kỳ số tiền nào để rút người Mỹ. Tôi không muốn chuyện này dính vào chuyện đem người Việt đi.”

Trích dẫn lượt nói 31 và 32, cho thấy ông Biden muốn phân biệt rõ ràng chuyện rút người Mỹ và di tản người Việt khỏi Việt Nam. (Hình: Người Việt)

Chuyện không đơn giản như phần “trích ngang” có chủ ý của ông Dunleavy, đọc ở hai phần đối thoại trên, Ngoại Trưởng Kissinger đặt trước mặt ông Biden, là một loạt viễn ảnh phức tạp, từ chuyện e ngại phải đánh nhau với quân đội VNCH khi người Mỹ rút lui, lồng với cảnh rút lui không gây hoảng loạn như tháo chạy, tới việc rút công dân Mỹ về hàng loạt, và di tản một số lượng lớn người Việt. Rồi cuối cùng, ông Kissinger bỏ ngỏ một chuyện dàn xếp giữa VNCH và Bắc Việt.

Để trả lời cho một loạt vấn đề phức tạp như trên, câu đối đáp của Thượng Nghị Sĩ Joe Biden cũng không thể bị “trích ngang” một cách đơn giản là chỉ trả lời cho vấn đề di tản người Việt không thôi.

Vì thế, câu trả lời của ông Biden phải gắn vào ba chủ đề phức tạp mà ông Kissinger đưa ra.

Như vậy, Thượng Nghị Sĩ Biden muốn phải tách bạch hai vấn đề thật rõ ràng, đó là, rút người Mỹ và quân đội Mỹ can thiệp để rút 175,000 người Việt.

Ông nói rõ ràng, đừng nhập hai chuyện này lại với nhau, chứ không hề có ý chặn di tản người Việt.

Việc này có thể chứng minh ở câu thứ ba, cuối cùng, mà ông Biden nói tại buổi họp này.

Tạm dịch:

“- 44 Scott: Tôi đồng ý với đề nghị. Có một điều chưa làm là bàn về số tiền. Tôi nghĩ cần phải bàn một con số cụ thể.

– 45 Biden: Tôi không muốn cam kết vào một con số chính xác. Bao nhiêu tiền tùy thuộc bao nhiêu người (Việt) mà chúng ta có thể đem đi.

– 46 Kissinger: Đây là một vấn đề cực kỳ tinh tế. Chúng ta không thể đem họ đi trong tình trạng khủng hoảng. Không ai nghĩ đến một khoảng thời gian dài để đem mọi người đi. Chúng tôi đang nghĩ, phải mất từ 10 ngày đến hai tuần.

– 47 Church: Tôi nghĩ chúng ta nên thành lập một quỹ khẩn cấp để cho phép ông (Kissinger) giải quyết vấn đề và cẩn thận soạn ngôn từ về việc sử dụng quân đội làm sao bảo đảm có một giới hạn.

– 48 Tổng Thống Ford: Chúng ta không đưa quân đội Mỹ vào nhưng chúng ta có đủ ngân sách để tạo ra hình ảnh chúng ta còn ở đó một thời gian.

Trong lần nói thứ ba, lượt thứ 45, ông Biden cho thấy ông sẵn sàng cấp tiền theo đầu người (Việt Nam) khi có kế hoạch rút lui rõ ràng.

Trích dẫn lượt nói từ 44 đến 48, cho thấy ông Biden sẵn sàng cấp tiền theo đầu người (Việt Nam) khi có kế hoạch rút lui rõ ràng. (Hình: Người Việt)

Kết luận

Trong cuộc họp bàn cung cấp ngân sách cho kế hoạch dùng quân đội di tản lực lượng còn ở Việt Nam, dân Mỹ, và người Việt trong tình trạng nguy hiểm khi Cộng Sản chiếm miền Nam, cả ba lần mở miệng, ông Biden đều nói rõ quan điểm của ông, đó là, chú trọng rút người Việt ra, sẵn sàng bỏ phiếu cung cấp kinh phí để rút người Việt. Ông chỉ không muốn nguồn tiền trở thành cái cớ để kéo dài cuộc chiến.

Cuộc họp ngày 14 Tháng Tư, 1975, là cuộc họp bàn tìm cách đưa quân đội Hoa Kỳ vào Việt Nam để di tản công dân Mỹ và những người Việt cộng tác với Hoa Kỳ trước khi Sài Gòn sụp đổ.

Điểm quan trọng là làm sao giải quyết được vấn đề này một cách mau chóng, đừng để cảnh đưa quân đội Hoa Kỳ vào Việt Nam với số lượng quá lớn sẽ gây ra một cuộc chiến mới trở lại (bởi vì theo Hiệp Định Paris 1973, quân đội Hoa Kỳ phải rút lui hoàn toàn vào năm đó).

Đưa quân đội Hoa Kỳ vào Sài Gòn để di tản vài ngàn công dân Mỹ và ít nhất 175,000 người Việt một cách nhanh chóng không phải là bài toán đơn giản.

Xin lưu ý, trong cuộc họp, không ai phản đối việc di tản người Việt Nam cộng tác với Hoa Kỳ.

Bài viết của ông Jerry Dunleavy không chính xác, dùng thủ thuật “trích ngang” nội dung rồi đưa vào chỗ khác. Nói cách khác, tác giả dùng tài liệu lịch sử, nhưng dẫn chứng sai, và đăng vào thời điểm gần đây, ngày 4 Tháng Bảy, 2019, khi nước Mỹ có cuộc bầu cử tổng thống vào năm sau.

Trong những email gởi chuyền đi trong cộng đồng Người Việt, có nhiều người khẳng định đã biết chuyện ông Joe Biden chống người Việt tị nạn từ thời gian Sài Gòn thất thủ, hoặc từ 30, 40 năm trước.

Nghĩ cũng lạ, biên bản cuộc họp mật của ngày 14 Tháng Tư, 1975, tại Tòa Bạch Ốc phải chờ đến ngày 23 Tháng Chín, 1992, mới được giải mật, và đưa ra công chúng, nhưng không hiểu tại sao lại có nhiều người biết “nội dung” này trước.

Mai Phi Long
Người Việt Online ngày 27/8/2020
Liên lạc tác giả: maiphilong@nguoi-viet.com

Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/cong-dong/tns-biden-ung-ho-di-tan-nguoi-viet-nam-1975/

2 Comments

  1. Chuyện Biden có hay không ngăn chận người Việt tỵ nạn được giúp thoát khỏi csvn năn 1975 sẽ còn tranh cải nhiều, tuỳ theo ý nghĩa của sử liệu diễn dịch mà người ủng hộ hay chống đối Biden tin vào!
    Sau 45 năm tỵ nạn tại Mỹ, chúng ta đã có dân số trên 2 triệu người và thế hệ thứ 2, 3, 4,… sẽ sống mãi tạ đất nước nầy! Bầu phiếu cho Biden hay Trump là bầu phiếu cho tương lai con cháu chúng ta!
    Thế thì câu hỏi được đặt ra là Ứng cử viên Biden hay Ứng cử viên Trump xứng đáng là Tổng thống hơn xét theo quá trình 47 năm của Biden hay 3.5 năm của Trump làm việc trên Washington DC??

  2. Đúng vậy chống dân tỵ nạn hay không, hiện tại là Biden không đủ khả năng làm Tổng Thống

1 Trackback / Pingback

  1. Câu Chuyện Cụ Biden Và Dân Tỵ Nạn Nhai Lại Nữa

Leave a Reply to Tom Cancel reply

Your email address will not be published.


*