Vụ Khashoggi đe dọa chiến lược của Mỹ tại Trung Đông

Cái chết mờ ám của nhà báo người Ả Rập Xê Út Jamal Khashoggi đang thách thức bang giao giữa Washington với Riyad, một đồng minh truyền thống của Mỹ tại Trung Đông. Nhà Trắng tránh để mang tiếng là bao che cho Ả Rập Xê Út bịt miệng một tiếng nói đối lập, nhưng cũng không thể làm phật lòng thái tử Mohammed Ben Salman, lá chủ bài của Hoa Kỳ để kềm tỏa ảnh hưởng của Iran trong vùng Vịnh. Về mặt kinh tế, dầu hỏa và những hợp đồng khổng lồ với Riyad là hai yếu tố buộc chính quyền Trump phải thận trọng.

Sau khi lên cầm quyền, tổng thống Donald Trump đã dành chuyến xuất ngoại đầu tiên đến Ả Rập Xê Út, nơi quyền lực thực sự được đặt trong tay thái tử Mohammed Ben Salman. Đành rằng Riyad là một đồng minh lâu đời của Washington trong khu vực vùng Vịnh và nhiều đời tổng thống Mỹ liên tiếp đứng về phía vương quốc dầu hỏa này, nhưng chính quyền Trump đã có những bước tiến rất xa và kỳ vọng nhiều vào Ả Rập Xê Út để thực hiện một chiến lược “đầy tham vọng” ở Trung Đông.

Phải đợi nhiều ngày sau khi nhà báo người Ả Rập Xê Út Jamal Khashoggi mất tích, chính quyền Mỹ mới lên tiếng. Tổng thống Trump từng bực mình khi được báo chí hỏi về số phận của một cộng tác viên với tờ báo Washington Post và cho rằng, ông Khashoggi không phải là công dân Mỹ. Có điều, hơn hai tuần qua, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy là tiếng nói đối lập với chính quyền Riyad này dường như đã bị “tra tấn và bị chặt đầu” trong tòa lãnh sự Ả Rập Xê Út ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Thêm vào đó là hàng loạt bằng chứng cho thấy đằng sau cái chết mờ ám đó có bàn tay của thái tử Mohammed Ben Salman, nhân vật rất thân với cố vấn và cũng là con rể tổng thống Trump, Jared Kushner. Vụ việc lại càng gây bối rối cho Nhà Trắng khi mọi người phát hiện nhà báo Khashoggi sống lưu vong tại Hoa Kỳ và có thẻ thường trú của Mỹ. Chẳng đặng đừng, tổng thống Trump phải lên tiếng, nhất là khi ông chịu sức ép từ trong hàng ngũ của chính đảng Cộng Hòa ở Quốc Hội.

Dù nói sẽ “nghiêm phạt” Riyad nếu chính quyền Ả Rập Xê Út là thủ phạm vụ sát hại nhà báo Khashoggi, nhưng tổng thống Trump báo trước là quan hệ giữa Hoa Kỳ với đồng minh truyền thống này tại Trung Đông vẫn rất tốt đẹp.

Theo giới quan sát có nhiều lý do để chính quyền Trump nhẹ tay với Riyad.

Trước hết, phải kể đến yếu tố kinh tế, chính quyền Trump cần giữ quan hệ tốt với Ả Rập Xê Út tránh để vương quốc dầu hỏa này dọa khóa van dầu, đẩy giá vàng đen lên cao làm phương hại tới kinh tế của nước Mỹ. Ngoài ra, như chính tổng thống Trump tuyên bố, ông không có ý định hủy bỏ những hợp đồng mua bán vũ khí của Riyad, hay gây phương hại đến 110 tỷ đầu tư của Ả Rập Xê Út vào Hoa Kỳ.

Nhưng quan trọng hơn cả là về phương diện chiến lược, Mỹ cần Ả Rập Xê Út trong nhiều hồ sơ. Theo giải thích của chuyên gia về Trung Cận Đông, Simon Henderson, thuộc trung tâm nghiên cứu Washington Institute for Near East Policy, tổng thống Trump khó xử với Riyad, bởi Ả Rập Xê Út là một lá chủ bài của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố. Jared Kushner, con rể và cũng là cố vấn của Donald Trump có những mối liên hệ trực tiếp và gần gũi với thái tử Mohammed Ben Salman. Theo giới phân tích, vũng vì cần Ả Rập Xê Út mà Mỹ – và cả châu Âu đều nhắm mắt làm ngơ để cho thái tử Mohammed Ben Salman rộng bề hành động, đặc biệt là qua chiến dịch quân sự tại Yemen.

Thậm chí Nhà Trắng còn xem Ả Rập Xê Út, một nước Hồi Giáo theo hệ phái Sunni, là cột trụ trong chiến lược Trung Đông rộng lớn. Trong một bài báo trên Wall Street Journal, giáo sư Walter Russell Mead, chuyên gia về quan hệ quốc tế của Mỹ, nhận định : Khi quyết định rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định hạt nhân Iran, tổng thống Trump và ban tham mưu của Nhà Trắng đánh cuộc trên một kịch bản. Đó là bóp ngạt kinh tế Iran, buộc Teheran phải tập trung tăng cường quân sự, triển khai tên lửa và hạt nhân. Khi đó Ả Rập Xê Út và Israel, hai kẻ thù không đội trời chung của Teheran, sẽ là những cánh tay nối dài của Mỹ để “dạy cho Iran một bài học”.

Chỉ khi đó, Washignton mới trở lại cuộc chơi, làm một công đôi việc. Một mặt ép Teheran để đạt được một thỏa thuận về hạt nhân “cân bằng hơn”, mặt khác sẽ mặc cả với Iran để giải quyết hồ sơ Syria. Bởi ai cũng biết, Iran cùng với Nga đang là hai điểm tựa chính của chế độ Damas.

Có điều cái chết đột ngột của nhà báo Jamal Khashoggi đã làm đảo lộn những nước cờ của Washington tại Trung Đông. Ba tuần trước bầu cử giữa kỳ tại Mỹ, bài toán của tổng thống Donald Trump càng thêm nan giải, khi những nhân vật được cho là thân cận với Nhà Trắng, chẳng hạn thượng nghị sĩ Lindsey Graham, không vòng vo tố cáo là hoàng tử Mohammed Ben Salman đã “ra lệnh ám sát Jamal Khashoggi trước mắt Hoa Kỳ”. Vẫn theo ông Lindsey Graham, trong trường hợp đó, hoàng thái tử Mohammed Ben Salman “phải ra đi”.

Thanh Hà

Phóng Viên RFI

Be the first to comment

Leave a Reply to Anonymous Cancel reply

Your email address will not be published.


*