Thu Vén Tuổi Già

Minh họa của Bảo Huân

Nên ở đâu, nên làm gì?

Suốt thời trẻ người ta vất vả làm việc, nuôi dạy con cái, chạy vạy cơm áo gạo tiền … chìm đắm trong “bến mê” ít có giờ dừng lại để:

Nằm vắt tay lên trán ta nghĩ đến chuyện bây giờ
Ngồi bấm đốt ngón tay ta nghĩ đến chuyện ngày mai

Thế rồi thì giờ vùn vụt bay đi như bóng câu qua cửa sổ, thoắt cái là “cái già sồng sộc nó thì theo sau”. Đến lúc phải nghĩ đến việc thu vén lại cho giai đoạn mới của cuộc đời, chẳng thể Vũ Như Cẩn như mấy chục năm qua. Đi đâu? Ở đâu? Sống như thế nào?

A. Già Tại Chỗ (Aging in Place):

Có người dự định sống nốt tuổi già tại căn nhà kỷ niệm cho đến ngày cuối. Họ lo sửa nhà lại theo nhu cầu mới: hoặc đặt thang máy trong nhà, hoặc bỏ trống dãy trên lầu dọn xuống ở tầng trệt, xây thêm phòng ngủ phòng tắm dưới nhà, san bằng nền nhà không phải bước lên bước xuống từ phòng này sang phòng kia, đặt thêm thanh vịn dọc tường, nới rộng cửa phòng cho xe lăn ra vào, san bằng tam cấp trước nhà để đẩy xe lăn v.v.

Nhu cầu ở là vậy, còn nhu cầu ăn và chăm sóc thì sẽ bỏ nhiều tiền (rất nhiều tiền) thuê người đến nhà chăm sóc. Khi yếu đuối bệnh hoạn thì tổn phí sẽ rất cao. Vợ chồng ông bà tôi quen biết có thu nhập cao nên đã lập sẵn ngân sách mỗi tháng chi 10 nghìn thuê người trông nom và tạm yên chí với kế hoạch này. Phương cách này không phải ai cũng có khả năng làm được.

B. Phu tử (hay phụ tử) tòng tử, về ở với con:

Một số ông bà thu vén dọn về ở cùng với con hay ở gần cạnh bên con. Đây là truyền thống lâu đời của người Á Đông, tam đại đồng đường, có khi cả tứ đại đồng đường. Ông bà giúp trông cháu nhỏ, con cái ngày nghỉ đưa cha mẹ đi chợ, đi chơi, khám bệnh v.v. Tuy nhiên lúc cuối đời bệnh tật tuổi già đôi khi cũng vượt quá khả năng chăm lo của các con nên rồi cũng vào dưỡng lão.

Bài này xin chỉ bàn đến một số vấn đề cho những vị muốn tự mình tìm chốn an cư lạc nghiệp cho giai đoạn mới trong cuộc đời.

C. “Xuống Cấp” ở nhà nhỏ hơn (Downsize)

Ở đời chuyện gì cũng chỉ cần đủ, không cần hơn. Căn nhà rộng hơn nhu cầu không phục vụ mình nữa mà ngược lại khiến mình phải vất vả phục vụ nó. Quét dọn phòng khách thênh thang, phòng ngủ dư dùng để trống không người ở, phòng tắm trên phòng tắm dưới không dùng đến v.v. đều là phí công vô ích trong khi mình cần để dành sức khỏe ít ỏi còn lại để nghỉ ngơi vui chơi.

Chuyện xuống cấp nói thì dễ nhưng làm không dễ. Không có bà tiên nào vung chiếc đũa thần, phút chốc qua đêm “bê” mình từ nhà to đùng 2000-3000 sqf đến một căn nhà nhỏ nhắn gọn ghẽ vừa đủ cho đôi uyên ương tóc bạc tuổi vàng.

Tiêu chuẩn cho “túp lều tranh” mới

  1. Gọn nhỏ: vừa vặn cho 1 hay 2 người.
  2. Dễ ra vào: ở tầng trệt không leo cầu thang hay ở tầng trên có thang máy phục vụ, gần phố xá chợ búa
  3. Ở khu nào: vào khu người già hay ở khu đa dạng đủ mọi lứa tuổi thành phần?
  4. Sở hữu: thuê hay mua?
  5. Thời gian: sẽ ở bao lâu? Sau đó thì sao?

Ở đây xin bàn đến mục 3, 4 và 5, vì 2 mục đầu đã hiển nhiên không cần tranh luận.

Ở khu nào

a. Ở tại phố thị:

Người lớn tuổi không cần ở khu ngoại ô (suburbs) có vườn tược xanh mát, đường phố vắng vẻ yên tĩnh. Mỗi lần đi chợ, sắm sửa phải lên xe chạy vài dặm đến vài chục dặm. Nhà hay căn phòng trong phố ở tầng trệt hay tầng lầu có thang máy lên xuống, bước ra đường là có tiệm café, chợ nhỏ, cửa hàng ăn uống v.v. không phải lái xe đi lại là thích hợp hơn. Tuy nhiên, những căn nhà tiện nghi ngay trung tâm phố xá như thế phần đông phục vụ người trẻ độc thân đi làm (young professionals) vì thành phần này cũng muốn cùng những tiện ích này. Ta cũng cần cân nhắc tổn phí và nơi chốn khi chọn ở phố thị.

– Tổn phí: Khu phố sạch sẽ mới mẻ (khoảng 3-5 nghìn ở Bethesda, Maryland; Falls Church,  Virginia; 3-6 nghìn San Jose, California; 1-2 nghìn Houston, TX) hầu như dành cho giới trẻ đi làm có khả năng trả tiền thuê cao, trong khi người già thì lợi tức cố định khiêm tốn hơn. Chọn khu bình dân giá rẻ không có thang máy thì phải ở tầng trệt, nhưng không phải lúc nào cũng tìm được. Thành phần dân cư chung quanh có thể phức tạp với nạn trộm cắp vặt, xả rác bừa bãi, tranh chấp với hàng xóm không biết điều v.v.

– Nơi chốn, môi trường: Ở chung với đủ thành phần lứa tuổi có cái vui là mình hưởng lây lối sống vui nhộn tràn trề sinh lực của giới trẻ chung quanh, thay vì cảnh “hai con khỉ già ngồi nhìn nhau” suốt ngày. Tuy nhiên cái ồn ào sinh động đôi khi vượt quá mức với những party khuya khoắt ồn ào, cảnh say xỉn ẩu đả, những cuộc cãi vã hung tợn v.v. những mặt trái của đời sống phố thị.

b. Vào khu nhà cho người cao niên (Senior Community, 55+ Community):

Dọn đến khu nhà già có cái lợi là những khu này đã tính đến những nhu cầu của người lớn tuổi. Leisure World ở Maryland, Làng Tre (Golden Bamboo I, II, III) ở Texas, The Villages ở Florida, Sun City ở Arizona v.v. có những khu riêng biệt tập trung hàng ngàn căn phòng hay nhà nhỏ dễ ra vào lên xuống, chung quanh có thư viện, rạp chiếu bóng, hồ bơi, sân tennis, chợ búa ngay ngoài cổng v.v. Giá cả những khu này tương đối phải chăng, đôi khi thấp hơn giá thị trường bên ngoài vì chúng tọa lạc cách biệt thành phố nơi giá đất rẻ (giá bán 200k-400k ở Leisure World – Maryland, 300k-400k ở the Villages – Florida). Phần “được” là có bạn đồng lứa, gặp nhau uống trà, cà phê, đi xem hát, hàn huyên tâm sự v.v. Phần không được lắm là vẫn phải lái xe đi lại hay dùng dịch vụ của khu vực, đi đâu cũng thấy người lớn tuổi già nua, chẳng nghe tiếng trẻ con cười nói, cuộc sống tách biệt với “đời thường”.

Trong phố cũng có những apartment complex cho người lớn tuổi ở cùng nhau, có dịch vụ ăn uống, giải trí chung. Giá cả khá cao, khoảng 3 nghìn/tháng tại Maryland-Virginia. Giá thuê ở Làng Tre Vàng (Golden Bamboo II, Golden Bamboo III), Houston, TX thì chỉ từ $700 đến $1100/tháng.

  1. Ở một chỗ đến cuối đời bằng “Dịch vụ chăm sóc bao trọn gói” (Continuing Care Retirement Community): Đó là những dịch vụ chăm sóc chu đáo cho người lớn tuổi trên từng chặng đường trước mắt cho đến lúc lìa đời:
  2. Tự sống độc lập, nếu muốn sẽ có nhà hàng phục vụ ăn uống, có người lau dọn nhà cửa (independent living),
  3. Sống dựa vào dịch vụ, có người phục vụ ăn uống ngày 3 bữa và quét dọn cho nhưng vẫn tạm khỏe mạnh (assisted living),
  4. Nằm một chỗ cần đút cơm, tắm rửa, giặt giũ, cho uống thuốc v.v. (nursing home).

Những nơi này chia làm 3 khu khác nhau cho 3 cách sống kể trên nhưng vẫn cùng một địa điểm. Khi “chuyển vùng” chỉ việc dời từ vùng 1 sang vùng 2 rồi sang vùng 3. Dịch vụ này rất đắt tiền, dành cho giới có của ăn của để. Thường khi vào những nơi này phải đóng trước một số tiền to từ 500 nghìn đến 1 triệu, mỗi tháng trả từ 4 nghìn cho một người đến 6 nghìn cho 2 ông bà (vùng Maryland-Virginia).

Khi còn sống độc lập được thì người ta cho một số bữa ăn tại nhà hàng 4-5 sao ngay trong khuôn viên (16 vé ăn mỗi tháng chẳng hạn, nếu đi vắng không dùng thì sẽ được dùng vào tháng sau, nhưng hết tam cá nguyệt thì mất giá trị), cho người  lau dọn, cung cấp các trò giải trí như bơi lội, ping pong, đọc sách v.v. Đến lúc cần chăm sóc nhiều hơn thì sẽ được hưởng kiểu assisted living, được dọn ăn ngày 3 bữa, lau dọn, nhắc nhở uống thuốc v.v.

Giai đoạn cuối nếu nằm liệt giường thì sẽ vào khu chăm sóc kiểu nursing home, cơm mang đến giường đút ăn, có người tắm rửa thay áo quần, chăm sóc y tế 24/24. Thoạt nghe thì thấy ngán ngẩm, đào đâu ra số tiền lớn như vậy để vào những nơi này? Thật ra một người đơn thân không con cái, làm việc cả đời, đã trả sạch nợ ngôi nhà đang ở, nay bán đi giao tất cả tiền cho dịch vụ rồi thì yên chí có nơi dưỡng già đến ngày cuối. Tuy tốn kém nhưng người già được hưởng nơi ở sang trọng, dịch vụ chu đáo, và khi nào sức khỏe “xuống cấp” nằm một chỗ thì được chăm sóc toàn diện cho đến cuối đời.

Vì đóng trước số tiền rất lớn nên mình được bảo đảm nếu lỡ tán gia bại sản vì lý do nào đó (con cháu lừa quỵt, thị trường chứng khoán sụp đổ, v.v.) họ cũng không đuổi mình ra khỏi cửa. (Chắc hẳn họ đã nắm sẵn số tài sản lớn của mình từ đầu nên cứ thế trừ dần đi). Có nơi cam kết sẽ trả lại cho người thừa kế một số phần trăm số tiền đóng khi dọn vào, tùy vào thời gian mình sống ở những nơi này lâu hay mau. Ai muốn biết thêm xin Google “Continuing Care Retirement Community near me” để biết thêm và có thể xin hẹn đến thăm cho biết.

Một lý do người Việt không hưởng ứng dịch vụ này vì vào đó phải “hội nhập hoàn toàn”, tức là ăn cơm Mỹ ngày 3 bữa, phải hòa đồng với dân cư chung quanh.

Sở hữu nơi ở mới: mua hay thuê?

a. Mua:
Người Việt luôn có khuynh hướng nhìn về lợi ích lâu dài. Người ta cho rằng trả tiền thuê là “mang tiền đổ xuống cống”, đến ngày ra đi chẳng còn lại gì. Bán nhà đang ở rồi mua căn ‘hộ’ nhỏ theo nhu cầu mới sẽ giữ được tài sản dài lâu, sau này để lại cho con cháu.

Tuy nhiên, khi mua một căn ‘hộ’ ở tuổi gần đất xa trời, ta cần dự định xem sẽ ở được bao lâu. Người già khi mua nhà chỉ tính được vài ba năm trước mặt. Một ngày nào đó ông đột quỵ phải vào dưỡng lão, bà té ngã hay vướng bệnh lãng không còn ở nhà được nữa thì ngôi nhà mới mua vài năm phải xử thế nào? Bán lại để thu vén theo cảnh sống mới một lần nữa cũng đau đầu như lần downsize trước, nhất là khi một người đã mất khả năng phụ giúp, chỉ còn lại một người già yếu phải tự mình lo toan lấy mọi chuyện.

b. Thuê:
Thuê nhà thì đúng là “mang tiền đổ xuống cống” nhưng không phải gắn bó lâu dài. Khi cần dời đi thì trả nhà lại dễ dàng. Ngược lại, khi ở nhà thuê thì luôn có yếu tố phụ thuộc khi mình không làm chủ. Khi cần gắn thêm thanh vịn dọc tường hay trong nhà tắm cũng phải xin phép chủ nhà.  Nới rộng cửa phòng cho xe lăn ra vào càng to chuyện hơn. Có thể một ngày nào đó có nhà đầu tư thu mua toàn bộ khu mình đang ở để đập đi xây condo mới và mình phải dọn đi v.v.

Thời gian ở bao lâu?

Chuyện này chỉ có Trời tính giùm ta. Như đã bàn ở phần 4 trên, tuổi già chỉ biết được từng năm một hay vài ba năm trước mắt. Cách tốt nhất là toan tính bước tiến lẫn bước lui, bước vào lẫn bước ra trước khi chọn chỗ ở mới. Khi nào không còn ở được tại nhà mới này thì sẽ đi đâu? Chuyện không đơn giản nhưng đừng để mình bị động khi có chuyện ngoài dự tính xảy ra.

D. Nghiên cứu/Chuẩn bị

Ở tuổi lão niên, việc chuẩn bị cho quãng đời còn lại rất quan trọng, vì ta không có thì giờ hay khả năng xóa bàn làm lại. Cần tìm hiểu mọi ngõ ngách, xem xét học hỏi chu đáo mọi khía cạnh, và tận dụng mọi nguồn thông tin để đi đến quyết định thích hợp.

  1. Nguồn nội bộ trong gia đình: nhiều cha mẹ ngần ngại không muốn làm phiền con, tự “nghĩ giùm” là chúng nó không quan tâm, chúng nó bù đầu chuyện gia đình không có khả năng giúp đỡ, dâu hay rể sẽ phiền hà v.v. Dù sao cũng phải lên tiếng, họp “hội đồng gia đình” để chia sẻ suy nghĩ của cha mẹ và nghe qua ý kiến của con. Dù có giữ quyết định của mình thì ít nhất cũng hiểu được lập trường ý kiến của con, hay hiểu được chúng nó muốn mình làm gì, hay vì sao chúng nó không thể giúp đỡ theo ý mình được. Và quan trọng hơn cả, nếu còn cả ông lẫn bà, thì 2 người cần trao đổi ý kiến với nhau thấu đáo, kẻo ông muốn gà, bà muốn vịt thì không thể nắm tay nhau đồng hành trên quãng đường trước mắt được.
  2. Nguồn tài liệu từ cộng đồng chung quanh: các county đều có dịch vụ cho người lớn tuổi (Department of Aging), từ việc đưa đón xe buýt đến giao cơm tận nhà, giúp làm giấy tờ (di chúc, “chỉ thị tương lai” – Advance Directive), đến giới thiệu những dịch vụ tư vấn luật pháp, tiện ích công cộng mà mình chưa biết đến.
  3. Đến thăm “hiện trường”: có những nhà già hay dịch vụ phục vụ người cao tuổi sẵn sàng mời mình đến viếng thăm, xem qua cho biết các khu ăn ở sinh hoạt, gặp gỡ nói chuyện với những cư dân đang ở đó, ăn thử một bữa cơm tại nhà hàng của họ, hỏi han kỹ vấn đề tổn phí, v.v.
  4. Một số văn thư pháp lý cần chuẩn bị sẵn: Điều khá buồn cười (hay buồn đau) là khi một người mất đi thì dễ, người còn lại sẽ thừa hưởng hay quyết định mọi việc như mua bán nhà cửa hay thanh toán tài sản. Ngược lại khi một người nằm liệt giường hay hôn mê mất sáng suốt thì người còn khỏe phải lo thủ tục giám định y khoa, thủ tục luật pháp, xin phép ba làng bảy tổng rằng người kia không thể quyết định được nữa, mới có thể giải quyết chuyện gia đình.
  5. Advance Directive (“chỉ thị trước”): giao quyền quyết định y tế cho người kia khi mà 1 trong 2 người không còn khả năng tự quyết định vấn đề chăm lo sức khỏe cho mình được nữa, kể cả mọi phương diện liên quan khác như tang ma, hiến tạng, hay cả việc có giữ cho sống bằng ống nghiệm hay rút ống để ra đi, phương thức chôn cất v.v.
  6. Power of Attorney (giấy ủy quyền): giao cho người khác giải quyết tài chánh, có thể hạn hẹp như chỉ khi nào mình đi vắng ra nước ngoài, chỉ được đại diện thưa kiện về bất động sản chứ không được đụng đến  tài khoản ngân hàng (trường hợp ủy quyền cho người ngoài) v.v.
  7. Family Trust (ủy thác gia đình): để tài sản chung vào văn kiện này để khi một người mất đi không phải qua thủ tục thừa kế mất thời gian, và tránh thuế thừa kế nếu có tài sản lớn (trên $13 triệu năm 2023 thì phải đóng thuế thừa kế; dưới $13 triệu thì không phải đóng thuế). Family trust có thể bao gồm cả 2 văn kiện đầu (advance directive & power of attorney) thành một gói đầy đủ. Tuy nhiên family trust không phải là điều ai cũng cần có: tài sản dưới 13 triệu thì không chịu thuế thừa kế nên không cần bỏ vào trust để tránh thuế; 2 vợ chồng cùng đứng tên chung mọi tài sản thì người còn lại đương nhiên sở hữu toàn quyền tài sản khi một người mất đi không phải lập trust; khi một người mất đi thì phải chia tài sản ra làm 2 trust: trust A cho người còn lại, trust B cho người nằm xuống, và hàng năm phải khai thuế cả hai trust. (Turbotax không có mẫu 1041 để khai thuế trust, phải nhờ CPA tốn kém).
    Cần tham khảo luật sư về những lý do nên hay không nên và những điều kiện cần ghi rõ ràng trong các văn kiện này.

Chúc các bậc lão niên nhiều may mắn!

Thúy Messegee
(12/2023)
Theo https://baotreonline.com ngày 19/1/2024

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*