Bail Và Bond

Màn hình bên ngoài hãng tin LBC (London, Anh) với ảnh “chân dung” Donald Trump chụp tại nhà tù Fulton County Jail, Atlanta, Georgia (Ảnh: Vuk Valcic/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

Lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, một vị cựu tổng thống đã bị bắt bỏ tù và phải nộp tiền để được tại ngoại hầu tra – tiếng Anh gọi hành động này là post bond để được bailed out. Trong bài này chúng ta sẽ tìm hiểu ý nghĩa của hai chữ bail và bond trong hệ thống pháp lý của Mỹ.

Hôm tuần rồi, một đại bồi thẩm đoàn tại Fulton County bang Georgia đã buộc tội Donald Trump và 18 đồng phạm với một bản cáo trạng gồm 41 tội danh (counts). Sau khi nhận bản cáo trạng, toà án Fulton đã ra lệnh cho những người này phải ra trình diện trễ nhất là 12 giờ trưa thứ Sáu 25 Tháng Tám để làm thủ tục giam giữ và đóng tiền tại ngoại.

Số tiền mỗi cá nhân phải nộp được xác định bởi quan toà, nhiều hay ít tuỳ theo mức nghiêm trọng của mỗi cáo buộc và tầm quan trọng của bị cáo. Chẳng hạn cũng một tội danh rất nghiêm trọng là RICO mà một người vô danh tiểu tốt như Scott Hall chỉ phải nộp $4,000, trong khi đó Donald Trump tốn $80,000.

Như chúng ta biết, Thứ Năm 24 Tháng Tám, ông Trump đã đến Fulton County Jail ở Atlanta để được lấy vân tay, chụp hình mugshot, và nộp tổng cộng $200,000 cho 13 tội danh. Tuy nhiên ông Trump đã không trả bail bằng tiền mặt mà dùng dịch vụ bond của một công ty tên là Foster Bail Bonds LLC. Theo CNN, ông Trump chỉ phải bỏ ra 10%, tức $20,000. Như vậy bail với bond khác nhau ra sao?

Nói một cách dễ hiểu: bail là tiền, bond là nợ. Bail là số tiền bị cáo phải nộp để được thả ra. Những người không có tiền trả phải chấp nhận bị tạm giam cho đến khi ra toà. Thông thường không ai muốn ngồi tù nên đa số đều tìm cách post bond  – tức nộp bail và hứa sẽ có mặt tại phiên toà để được xét xử. Một khi phiên toà kết thúc, đương sự sẽ được hoàn trả số tiền bail ấy. Chữ bond mang ý nghĩa mắc nợ là như thế.

Cần nói rõ, bond không phải là một hình phạt mà chỉ dùng để tối giảm khả năng bị cáo bỏ trốn. Lắm khi phía công tố đề nghị với toà đặt mức bail thật cao cho những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng để tạo áp lực hoặc khuyến dụ nghi can hợp tác với chính quyền trong cuộc điều tra, nhất là trong các vụ án dính líu đến hơn một can phạm – như tội “thông đồng” (conspiracy).

Toà án các cấp ở Mỹ nói chung có bốn loại bond: Own Recognizance; Cash Bond; Property Bond; Professional Bondsman.

Own Recognizance áp dụng trong các trường hợp ít nghiêm trọng và thường là chỉ đối với nghi can tương đối có tiếng tăm trong cộng đồng mà xác suất họ bỏ trốn rất thấp.

Cash Bond, tức tiền mặt, là hình thức đơn giản nhất. Toàn bộ số tiền bị cáo nộp cho toà sẽ được hoàn trả sau khi xét xử trừ ra chi phí toà án (nếu có).

Thay vì đóng tiền mặt, nghi can cũng có quyền dùng tài sản của mình (personal property) để thế chấp – thường là đất đai, nhà cửa v.v.

Property Bond phức tạp hơn vì nó đòi hỏi đương sự phải trưng đầy đủ giấy tờ chứng minh sở hữu chủ cũng như không mắc nợ thuế trên những tài sản ấy. Ít ai dùng cách này vì có thể mất nhà như chơi.

Đa số nghi can dùng một dịch vụ chuyên nghiệp gọi là Bondsman. Thông thường các công ty này yêu cầu người bị bắt phải đưa trước cho họ 10% tiền mặt, sau đó họ bỏ vào thêm 90% để nộp cho đầy đủ. Đến ngày bị cáo ra toà, nếu mọi chuyện suôn sẻ thì công ty sẽ được toà trả lại toàn bộ số tiền bail, gồm luôn tiền của bị cáo; coi như Bondsman thu phí 10%. Nhược bằng bị cáo không ra trình diện thì Bondsman sẽ mất hết số tiền họ đã ứng ra.

Do rủi ro cao, các công ty bail bonds rất cẩn trọng khi họ ký giao kèo để post bond vì họ phải đứng ra chịu trách nhiệm trước toà. Nghi can nào không có gia đình hay công ăn việc làm trong vùng, hoặc bị cáo buộc những tội trạng nghiêm trọng thường có nguy cơ bỏ trốn hơn. Vì vậy những đối tượng đó có thể phải trả mức phí cao hơn bình thường – 12% đến 15% chẳng hạn.

Thỉnh thoảng vẫn xảy ra trường hợp nghi phạm được toà thả ra xong trốn luôn. Như mới tuần rồi Christopher Worrell, thành viên của nhóm cực hữu Proud Boys, đã không ra trình diện để được xét xử về bảy tội danh liên quan đến vụ bạo loạn 6 Tháng Giêng. Mới đầu Worrell bị tạm giam ở Washington D.C. Nhưng sau đó quan toà cho anh ta được quản thúc tại gia vì trại giam không đủ điều kiện trị chứng bệnh Non-Hodgkin’s lymphoma cho anh ta. Thế rồi đến ngày phải ra toà Worrell bỗng biến mất; không ai biết chiếc cùm GPS của anh ta hiện đang ở đâu!

Và cũng có trường hợp toà không cho phép nghi can nộp bail để tại ngoại nếu thấy họ có thể gây nguy hiểm cho cộng đồng hoặc đang bị truy nã vì một tội danh khác. Harrison Floyd, một thành viên của tổ chức Black Voices for Trump, hiện bị tam giam tại Fulton County Jail sau khi ra trình diện hôm Thứ Năm. Ngoài chuyện bị Chưởng lý Fani Willis truy tố ba tội danh âm mưu lật đổ kết quả bầu cử của Georgia, Floyd còn bị buộc tội hành hung hai nhân viên FBI ở Washington D.C. vào Tháng Hai.

Trong tiếng Anh chữ bail còn được dùng như một động từ, như trong cụm từ “bail [someone] out” mô tả hành động trả tiền bail [cho người nào đó]. Ngoài ra nó còn được dùng theo nghĩa bóng là cứu ai đó ra khỏi một tình huống ngặt nghèo. Song qua vụ án này ta thấy không phải chỉ người nghèo mới không có tiền trả bail. Rudy Giuliani, cựu thị trưởng New York City và là một nhân vật cộm cán trong quỹ đạo của Donald Trump, cũng đã phải nhờ đến công ty “A 2nd Chance Bail Bonds” tại Georgia trả giúp số tiền bail $150,000 để ông ta được tại ngoại.

Thế mới hay, ở trên đời triệu phú hay tỉ phú gì cũng có lúc cần được người khác “bail out.

Ian Bùi
Theo Saigon Nhỏ News ngày 25 tháng 8, 2023

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*