Ysa Lê: Điện Ảnh Việt “Cần So Sánh Với Chính Mình”

(Nguồn hình ảnh: Viet Film Fest)

Trong tháng Mười vừa qua, ở California, Hoa Kỳ đã diễn ra Viet Film Fest, liên hoan phim quốc tế lớn nhất của người Việt trên thế giới.

Viet Film Fest bắt đầu năm 2003, được thành lập bởi VAALA (Vietnamese American Arts and Letters Association).

Ngày 20/10, BBC News Tiếng Việt đã có dịp trò chuyện về Viet Film Fest và điện ảnh Việt với bà Ysa Lê, một trong những người sáng lập và thành viên trong ban tổ chức Viet Film Fest.

Video có thể xem tại đây.

Thành lập Viet Film Fest

Bà Ysa Lê cho biết, khi bắt đầu tham gia VAALA, bà cùng làm một số chương trình nghệ thuật như hòa nhạc, ra mắt sách, triển lãm… nhưng cảm thấy thiếu một bộ môn nghệ thuật trong cộng đồng – đó là điện ảnh.

Bà và mọi người cảm thấy “những câu chuyện của mình được đưa lên màn ảnh rất ít, mà những cuốn phim ở Hollywood thì chú trọng đến lính Mỹ, đến người Mỹ, đến người Mỹ da trắng nhiều hơn người Việt mình. Mình cũng thấy có rất nhiều điều cần phải kể qua điện ảnh.”

“Năm 2003, Ysa cùng một số bạn bè như Trâm Lê, Hương Ninh… đứng ra thành lập Viet Film Fest, lúc đó gọi là Vietnamese International Film Festival, tên tiếng Việt là Đại hội Điện ảnh Việt Nam Quốc tế.”

Viet Film Fest năm nay

Phim "Những đứa trẻ trong sương" Phim “Những đứa trẻ trong sương” đoạt giải Phim hay nhất tại Viet Film Fest 2022. (Nguồn hình ảnh: Varan Việt Nam)

Năm nay, Viet Film Fest có hai ngày chiếu phim ở rạp là 7-8/10, và chiếu phim online ngày 1-15/10.

Theo bà Ysa Lê, những phim được chú ý năm nay là phim tài liệu “Những đứa trẻ trong sương” (đạo diễn Hà Lệ Diễm), “Jimmy in Saigon” (Peter McDowell), và “A Crack in the Mountain” (Alastair Evans); và phim truyện “Tiệc trăng máu” (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng), “Đêm tối rực rỡ” (Aaron Toronto), “Memento Mori: Đất” (Marcus Vũ Mạnh Cường).

Các phim ngắn nổi bật là “Taste of Home” (đạo diễn Âni Võ) và “Container” (hai đạo diễn Erin Hembrador và Quan Luong), cùng làm về nạn buôn người.

Cô bé Di trong "Những đứa trẻ trong sương" Cô bé Di trong “Những đứa trẻ trong sương”(Nguồn hình ảnh: Varan Việt Nam)

Bộ phim đoạt giải Trống Đồng cho Phim hay nhất năm 2022 là “Những đứa trẻ trong sương”, kể về tục bắt vợ trong cộng đồng người H’Mông ở Việt Nam và Di, một cô bé 13-13 tuổi người H’Mông khao khát được tự do và đi học.

“Mặc dù cuốn phim chỉ đơn giản một người, một máy quay, và một lời dẫn chuyện của chính người đạo diễn, nó cho mình thấy những vấn đề rất phức tạp trong đó.”

Bộ phim, theo bà, làm khán giả cứ nghĩ đến và băn khoăn về cô bé Di trong câu chuyện.

“Có những người bạn của Ysa, vì lớn lên ở bên này hoặc sống ở bên này lâu, cũng không biết đến tục lệ bắt vợ đó. Họ rất kinh ngạc là vẫn còn có tục lệ đó. Nhưng có những người thì họ rất thích, và thấy cũng ít khi có câu chuyện của một dân tộc thiểu số ở Việt Nam được đưa lên màn ảnh lớn như vậy.”

Người làm phim gốc Việt ở nước ngoài

Theo bà Ysa Lê, hai trở ngại lớn nhất là tìm kinh phí và tìm diễn viên.

“Có những người Ysa thấy có khả năng đạo diễn cũng như có kịch bản hay, có nhiệt huyết, nhưng tìm kinh phí quá khó, tìm ra người đứng ra sản xuất quá khó. Khi người đầu tư nhìn vào và thấy câu chuyện này về một nhân vật người Việt Nam, người gốc Á khi đưa ra mainstream để phát hành cho đại chúng thì có phát hành được hay không, có lấy lại được vốn hay không, họ lại đắn đo.”

Tuy nhiên trong vài năm gần đây ở Hollywood đã có vài thay đổi và cơ hội nhiều hơn cho người gốc Á sau sự thành công của một số phim như “Crazy Rich Asians”, “The Farewell”, hay “Shang-Chi”.

Người làm phim ở Việt Nam, và vị trí điện ảnh Việt trên thế giới

“Làm phim thì lúc nào cũng là vấn đề kinh phí… Nhưng ở Việt còn có khâu kiểm duyệt nữa, cũng là một điều gây khó khăn cho các nhà làm phim.”

Thế nhưng tại sao điện ảnh Iran lại rất thành công và đoạt nhiều giải thưởng, đặc biệt ở các liên hoan phim ở Châu Âu, dù các nhà làm phim ở Iran còn bị bó buộc hơn ở Việt Nam, không thể thể hiện trên màn ảnh một cái chết hay một nụ hôn?

Bà Ysa Lê cho biết đã nghe nhiều người nói ý này, và nói “Ysa là người làm festival, làm những công việc để tìm cách thúc đẩy người nghệ sĩ sáng tạo, thúc đẩy người nghệ sĩ đến với khán giả, và mong là những diễn đàn mình tạo ra cho những người nghệ sĩ có thể gặp gỡ nhau và sau đó có thể chung sức làm những tác phẩm lớn hơn nữa.

“Cái mình muốn chú trọng đến là phải so với chính mình nữa, phải so với chính mình, từ những năm 90 đến bây giờ, mình đã có những tác phẩm như thế nào, thị trường phim trong nước đã khác như thế nào.

“Dĩ nhiên mình phải so sánh với nước khác, nhưng cái Ysa muốn là mọi người so sánh với chính mình với những năm trước: mình đi như thế nào, mình có thành công ở những lãnh vực nào, mình vẫn còn loay hoay ở những khoản nào, vẫn còn thụt lùi ở khoản nào.”

Phim "Song Lang" được cả hai giải Phim hay nhất của ban giám khảo, và Phim hay nhất do khán giả bình chọnPhim “Song Lang” được cả hai giải Phim hay nhất của ban giám khảo, và Phim hay nhất do khán giả bình chọn. (Nguồn hình ảnh: Viet Film Fest)

Theo bà, những phim thành công và được yêu thích trong lịch sử Viet Film Fest là “Song Lang” (đạo diễn Leon Lê), “Vượt sóng” (Hàm Trần), “Dòng máu anh hùng” (Charlie Nguyễn)…

Riêng “Song Lang” được cả hai giải Phim hay nhất của ban giám khảo, và Phim hay nhất do khán giả bình chọn.

Ngoài ra, những phim Việt Nam khác được gây tiếng vang trên thế giới là “Xích lô”, “Mùa đu đủ xanh”, “Mùa hè chiều thẳng đứng” (đạo diễn Trần Anh Hùng), “Ba mùa” (Tony Bùi), “Mùa len trâu” (Nguyễn Võ Nghiêm Minh)…

Để điện ảnh Việt được phát triển và thành công hơn, bà nói “trong đó không chỉ có nhà làm phim mà có những người làm festival, cũng như khán giả nữa, đều phải nỗ lực, khi có một cuốn phim Việt Nam được ra, mình phải đi xem.”

Thành tựu của Viet Film Fest – nhìn lại 19 năm

Lúc đầu tổ chức hai năm một lần, bây giờ Viet Film Fest mỗi năm có một lần. Năm 2023 sẽ là kỷ niệm 20 năm Viet Film Fest.

“Chính những người đạo diễn nói với Ysa là họ tìm được nguồn đầu tư, họ tìm được network nhờ Viet Film Fest, họ mới làm được các tác phẩm kế tới.”

Chẳng hạn đạo diễn Hàm Trần, nhờ phim “Ngày giỗ” chiếu ở Viet Film Fest năm đầu tiên, tìm được người đầu tư và sản xuất phim “Vượt sóng”.

Các nhà làm phim cũng tìm được người hợp tác và “Ysa xem đó là điều đáng mừng, và mong Viet Film Fest tiếp tục là sân chơi cho mọi người có thể hợp tác với nhau.”

Ngoài ra Viet Film Fest cũng có High School Day, cho các em học sinh gốc Việt đến xem phim Việt và hiểu hơn về Việt Nam hay các cộng đồng người Việt.

“Thấy rõ ràng có nhu cầu của thầy cô lẫn học trò đều muốn tìm hiểu những câu chuyện, đời sống của người Việt Nam, cộng đồng Việt Nam ở nhiều nơi trên thế giới.”

Theo bà Ysa Lê, đó là những thành tựu của Viet Film Fest trong gần hai mươi năm qua.

Hải Di Nguyễn
Theo BBC News Tiếng Việt ngày 11 tháng 11, 2022

Video BBC News Tiếng Việt trò chuyện cùng bà Ysa Lê có thể xem tại đây.

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*