Nhà Em Có Nuôi Một Bà Nội

Từ ngày ba chồng mất, tụi mình dọn về ở chung với má chồng cho bà đỡ buồn. Bà vẫn còn rất khỏe mạnh, chỉ có điều bà dễ quên những gì vừa mới xảy ra, người già nào mà chẳng vậy ha?!

Nhiều bữa đi làm về, hỏi hôm nay má ăn cơm với món gì, thì bà chỉ nhớ là đã ăn rồi vì bụng no, chứ không nhớ là đã ăn gì.

Mẹ Trinh, Gấu và Ben. (Hình: Facebook Trinh Bestcare)

Vậy chứ có một chuyện bà không bao giờ quên, là mỗi buổi sáng dạy tụi nhỏ hỏi câu “Bà nội ngủ có ngon không?” rồi bà sẽ hỏi tụi nó cũng câu đó.

Rồi buổi tối, dù tụi nó đi học võ về trễ cỡ nào cũng chờ tụi nó nói câu “Con chúc bà nội ngủ ngon,” rồi mới chịu vô phòng đi ngủ.

Tại vì bà nói: “Con mà không chúc, bà không ngủ ngon. Mỗi lần bà thức giấc nửa đêm nhớ lại lời con chúc bà sẽ ngủ ngon hơn.” Mỗi ngày đều như vậy, không sót bữa nào.

Lúc đầu, không chỉ tui mà ông chồng tui đều nghĩ ủa sao bà nội “cải lương, khách sáo” dữ vậy ta? Mấy đứa nhỏ thì thấy khó chịu, vì cứ phải nói mấy câu đó hoài nhưng chìu bà nội nên tụi nó cũng nói.

Rồi “được đằng chân, bà lân đằng đầu” (đừng ai méc tui nói câu này cho má chồng tui nghe nha) mỗi ngày bà hỏi “khó” tụi nhỏ một câu bằng tiếng Việt.

– Ủa Ben hôm nay thứ mấy bà nội quên rồi?

– Gấu ơi, mấy giờ ba con đi làm về?

– Ben ơi, Ben mà vô mời dì Hiếu ăn cơm bằng tiếng Việt là dì Hiếu sẽ vui lắm đó.

Tất nhiên là hai thằng cháu nội phải ráng rặn ra cho được mấy chữ tiếng Việt để trả lời bà nội, một cách vô cùng miễn cưỡng. Cứ như vậy, tới nay hơn một năm, với những câu hỏi càng ngày càng khó hơn của bà nội.

Mẹ Trinh và Ben. (Hình: Facebook TrinhBestcare)

Rồi một ngày đẹp trời, Ben quyết định nói chuyện với mẹ toàn bằng tiếng Việt dù nó lúc nào cũng bắt đầu bằng chữ “Trời đất ơi, sao mẹ đi cái này, sao mẹ ăn cái đó, sao mẹ không nhớ cái giờ đón con…?”

Còn anh Gấu thì khỏi nói, tiếng Việt của ảnh rất ngon lành mà đó giờ ba má nó không hề biết nó có thể nói rất rành rẽ và biết rất nhiều từ khó.

Rồi một ngày đẹp trời, mẹ chở Ben đi học. Trước khi ra khỏi xe, thì Ben – một thằng ba gai, ít nói nhẹ nhàng nói bằng tiếng Việt rành rọt: “Con chúc mẹ đi làm vui vẻ!” Trời ơi, khỏi nói tim mẹ nó tan chảy và sung sướng còn hơn là Lan gặp lại Điệp.

Rồi một ngày đẹp trời, mẹ nó ngộ ra bà nội chính là “cao thủ võ lâm” về dạy con cháu.

Rằng, mẹ nó xách dép chạy vẫn còn thua xa bà nội đi bằng walker. Ngẫm lại mới thấy, má chồng tui là người của thế kỷ trước, lấy chồng rồi là ở nhà nuôi con theo ý của chồng.

Ngay cả khi qua Mỹ rồi, ba chồng mình cũng lo hết việc kiếm tiền, bà chỉ ở nhà đưa đón con đi học và giúp chồng quản lý sổ sách công ty riêng của chồng.

Thành ra, bà gần như ít có dịp giao tiếp, không bị ảnh hưởng bởi những thay đổi chóng mặt của xã hội bên ngoài. Những suy nghĩ và những quy tắc ứng xử của bà vẫn còn nguyên vẹn nếp nhà gia giáo của những năm 1950.

Vở cải lương “mưa dầm thấm lâu,” cùng tình thương chân thật của bà đã dạy tụi nhỏ được hai chuyện mà ba má nó chắc chẳng bao giờ làm được, nói tiếng Việt và hơn hết là bày tỏ lòng yêu thương, quan tâm tới người thân bằng những lời nói tưởng như quá bình thường, quá khách sáo, nhưng khi nó được biểu đạt bằng một ngôn ngữ mà rất khó khăn mới nói được thì nó chính là tình yêu thương thật sự.

Thật phúc đức cho những đứa cháu được ở với ông bà, được dạy dỗ trong tình yêu thương vô cùng “cải lương” như thế.

Bạn sẽ chẳng bao giờ biết ba mẹ già của bạn chính là một kho tàng mà bạn đã lãng quên, cho đến một ngày con cái của bạn tìm ra kho tàng đó.

Trinh Phí
Theo Người Việt online ngày 3/10/2022

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*