Bản Chất Chính Sách Ngoại Giao Của Hoa Kỳ Đối Với Đài Loan Ra Sao?

(Ảnh của Taiwan Today)

Chủ Tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đã bắt đầu cuộc hành trình thăm một số quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương vào chiều Thứ Sáu ngày 29/7/2022. Bà ta đã thăm Singapore và Malaysia, tiếp theo sẽ thăm Nam Hàn và Nhật Bản. Việc thăm Đài Loan thì được giữ bí mật, mãi tới chiều Thứ Hai hôm qua, ngày 1 tháng 8 mới có nhiều nguồn tin cho hay bà Pelosi sẽ thăm Đài Loan.

Dựa theo nguồn tin của Taiwan Liberty Times, Taiwan’s EBC News, báo Straits Times cho hay bà Pelosi có thể sẽ tới Đài Loan vào đêm Thứ Ba, sáng Thứ Tư sẽ đi thăm Quốc Hội, sau đó sẽ gặp Tổng Thống Thái Anh Văn. AP News, CNN và nhiều hãng truyền thông lớn vừa loan tin bà Pelosi đã tới Đài Loan lúc 10:45 pm (giờ địa phương). Trước đây Tập Cận Bình đã hăm dọa sẽ bắt rớt máy bay hộ tống chuyến đi của bà Pelosi. Trung Cộng cho rằng máy bay quân sự của Hoa Kỳ đi vào không phận của Đài Loan là một hành động khiêu khích, Trung Cộng có quyền chế ngự hoặc nếu cần có thể bắn hạ.

Nhiều nhà lập pháp Cộng Hòa và Dân Chủ tán thành quyết định thăm Đài Loan của bà Pelosi. Nhà báo Matthew Continetti, sáng lập viên của báo Washington Free Beacon cho rằng “Nếu hủy bỏ chuyến đi là đầu hàng nhà nước Trung Cộng, là cho thế giới thấy sự yếu kém của Hoa Kỳ muốn làm hài lòng Trung Cộng hơn là ủng hộ Đài Loan.”  Pelosi không phải là Chủ Tịch Hạ Viện đầu tiên tới thăm Đài Loan, Chủ Tịch Hạ Viện Newt Gingrich thuộc đảng Cộng Hòa đã có chuyến viếng thăm Đài Loan vào năm 1997.

Chính sách ngoại giao “mơ hồ chiến lược” của Hoa Kỳ

Đài Loan nằm trên một eo biển dài 110 dặm, quần đảo Kim Môn của Đài Loan nằm ngoài bờ biển phía đông nam của Trung Cộng chỉ cách thành phố Hạ Môn của Phúc Kiến khoảng 6.2 dặm về phía đông.  Theo tài lịch sử của nhiều nguồn, bao gồm của Tổ Chức Council on Foreign Relations và Reuters:

Năm 1946, Trung Hoa Lục Địa xảy ra một cuộc nội chiến giữa Đảng Cộng Sản Trung Quốc và Quốc Dân Đảng do Tưởng Giới Thạch làm Chủ Tịch.  Tới năm 1949, trước lực lượng cộng sản của Mao Trạch Đông, Quốc Dân Đảng đã bị thua cuộc, Tưởng Giới Thạch và một số đảng viên Quốc Dân Đảng đã chạy ra đảo Đài Loan thành lập chính phủ lưu vong. Tưởng Giới Thạch làm Tổng Thống Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) cho tới khi qua đời vào năm 1975.

Năm 1972, TT Richard Nixon đã tới thăm Trung Cộng, tại Thượng Hải đã đưa ra thông cáo chung tạo căn bản cho mối quan hệ Hoa Kỳ-Trung Cộng.  Năm 1979,  TT Jimmy Carter đã chính thức thiết lập ngoại giao với Trung Cộng, đồng thời cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Hoa Kỳ không ủng hộ Đài Loan độc lập và công nhận chính sách “Một Trung Hoa Lục Địa” của Trung Cộng.  Tuy nhiên 4 tháng sau đó do sự vận động của Đài Loan, Quốc Hội Hoa Kỳ đã thông qua Đạo Luật Quan Hệ Đài Loan (Taiwan Relations Act)  cho phép Hoa Kỳ tiếp tục các mối quan hệ thương mại và văn hóa giữa Hoa Kỳ và Đài Loan, đồng thời Hoa Kỳ sẽ cung cấp vũ khí quốc phòng giúp Đài Loan có khả năng tự vệ, và Hoa Kỳ sẽ chống lại mọi biện pháp sử dụng vũ lực hoặc các hình thức đe dọa tới an ninh quốc phòng, xã hội hoặc kinh tế của Đài Loan.

Trong suốt 4 thập niên kể từ năm 1979, chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ vẫn không thay đổi, vẫn duy trì ngoại giao với Đài Loan trong phạm vi “Đạo Luật Quan Hệ với Đài Loan” và giữ liên hệ ngoại giao chính thức bình thường với Trung Cộng.  Tới thời TT Trump, một cuộc chiến thương mại với Trung Cộng đã xảy ra, hàng hóa Trung Cộng bị đánh thuế hàng tỷ USD.  Cựu Ngoại Trưởng Mike Pompeo đã mạnh mẽ lên án chủ trương thiết lập “Một Vành Đai Một Con Đường” của Trung Cộng là do tham vọng muốn thống trị thế giới.  Nhiều phái đoàn cấp Bộ Trưởng, Thứ Trưởng trong chính quyền TT Trump đã chính thức tới thăm Đài Loan, lần đầu tiên kể từ năm 1979.  Về mặt quân sự, TT Trump đã chấp thuận bán khoảng 4.7 tỷ USD vũ khí quốc phòng cho Đài Loan, giúp Đài Loan tăng cường khả năng tự vệ trước kẻ thù Trung Cộng.  Tới nay, gần nửa nhiệm kỳ của chính quyền Biden, vũ khí Hoa Kỳ bán cho Đài Loan chỉ vào khoảng hơn 850 triệu USD.

Đài Loan là một quốc gia nhỏ bé với 23.4 triệu dân trên diện tích 13,976 dặm vuông nhưng lại được xếp hạng là một đất nước có nền dân chủ và kinh tế tự do vững chắc. Đài Loan có một công ty sản xuất thiết bị điện tử lớn nhất thế giới, công ty Taiwan Semiconductor Manufacturing Company (TSMC.) Theo BBC News: “TSMC có khả năng sản xuất hơn một nửa lượng chip cho toàn cầu, cung ứng theo nhu cầu của khách hàng dân sự và quân sự.  Năm 2021, Đài Loan sản xuất 65% chip cho thế giới, theo sau là Nam Hàn sản xuất 18%, Trung Cộng sản xuất 5%, và các nước khác 12%.  Nếu Trung Cộng chiếm được Đài Loan, điều đó có nghĩa là Trung Cộng sẽ kiểm soát một trong những ngành công nghiệp quan trọng nhất thế giới.”

Tổng Thống tiền nhiệm Donald Trump đã cho công ty TMSC cơ hội được xây dựng cơ sở tại Hoa Kỳ.  Tháng 5 năm 2020, TSMC đã thông báo sẽ xây một nhà máy sản xuất chip tại tiểu bang Arizona, chi phí cho dự án là 12 tỷ USD, và sẽ tạo công ăn việc làm cho 1,600 người.  Cựu Ngoại Trưởng Mike Pompeo đã khẳng định “Thỏa thuận cho TMSC mở nhà máy tại Hoa Kỳ là củng cố an ninh quốc gia trong thời điểm Trung Cộng đang cố gắng thu tóm và kiểm soát ngành công nghiệp quan trọng này.”

Đài Loan là một quốc gia riêng biệt, độc lập với Trung Cộng từ năm 1949, nhưng Trung Cộng vẫn coi hòn đảo này là một phần lãnh thổ của mình. Trung Cộng đã tuyên bố sẽ thống nhất Đài Loan với đại lục, sẽ sử dụng vũ lực để thực hiện nếu cần.  Từ ngày bà Thái Anh Văn làm Tổng Thống tới nay, Trung Cộng đã gia tăng áp lực chính trị và quân sự lên Đài Loan, nhiều nhà phân tích tình hình quốc tế lo ngại chiến tranh có thể xảy ra tại Đài Loan.  Liệu Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Đài Loan? Cho tới nay Hoa Kỳ vẫn theo chủ trương mơ hồ chiến lược (strategic ambiguity) trong khi đó Biden lại tuyên bố bảo vệ Đài Loan.  Thực tế sẽ ra sao?

Lãnh đạo Dân Chủ đã và đang làm ăn với Trung Cộng

Vụ tham nhũng của con trai Biden đã được Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện mở hồ sơ từ năm 2020 nhưng tới nay đã bị Bộ Tư Pháp làm ngơ, không thực hiện bất cứ một cuộc điều tra nào.  Thời gian gần đây, báo Washington Post cũng đã xác nhận những chi tiết chính trong hồ sơ tham nhũng của gia đình Biden được tìm thấy trong “laptop bỏ quên” của Hunter Biden, và tờ báo thiên tả này còn phát hiện được nhiều tài liệu mới về những vụ làm ăn buôn bán của gia đình Biden với Trung Cộng.  Biden thường khẳng định là ông ta không biết gì về vụ làm ăn của con trai Hunter Biden, nhưng tới nay nhiều tài liệu cho thấy Biden đã 17 lần gặp đối tác kinh doanh của Hunter Biden.

Theo Breitbart News, trong tuần qua Lãnh Đạo Khối Thiểu Số Kevin McCarthy, Dân Biểu James Comer, Dân Biểu Jim Jordan và một số Dân Biểu Cộng Hòa đã lên kế họach mở một cuộc điều tra về sự tham nhũng của Joe Biden và con trai của ông ta.  Cũng trong tuần qua, ngày 30/7/2022, Thượng Nghị Sĩ Chuck Grassley cáo buộc có những bằng chứng cho thấy FBI và Bộ Tư Pháp đã che đậy, đã không thực hiện những cuộc điều tra đúng đắn về vụ Hunter Biden. Cựu Bộ Trưởng Tư Pháp Bill Bar đã lên tiếng kêu gọi Bộ Trưởng Tư Pháp Merrick Garland cần chỉ định một Công Tố Viên đặc biệt phụ trách cuộc điều tra Hunter Biden.

Tác giả Peter Schweizer, một nhà nghiên cứu, điều tra về những vấn đề hối lộ, tham nhũng trong chính trị của Hoa Kỳ căn cứ trên tài liệu của tòa án, của Thượng Viện và tư nhân.  Tác phẩm How American Elites Get Rich Help China Win của Peter Schweizer đã tố cáo:  “Nancy Pelosi từng là người chống Trung Cộng khá mạnh trong thời gian mới gia nhập chính trường nhưng sau một thời gian bà ta đã thay đổi lập trường.  Năm 2008, Pelosi đã ủng hộ việc tẩy chay Thế Vận Hội (TVH) được tổ chức tại Trung Cộng, và sau khi chồng bà ta có hợp đồng chuyên chở khách VIP cho TVH thì bà lại thay đổi ý kiến. Gần đây nhất, năm 2020, với tư cách là Chủ Tịch Hạ Viện, Nancy Pelosi đã từ chối không mở cuộc điều trần để thảo luận về nguồn gốc bộc phát của COVID vì chồng và con trai của bà ta có liên hệ làm ăn tại Bắc Kinh, và kinh doanh của họ đã phát triển mạnh từ khi COVID bùng phát.”  Ngoài ra còn có nhiều chính trị gia của cả hai đảng có thân nhân làm ăn với Trung Cộng, từ Biden, tới Kamala Harris, Mitch McConnell, Dianne Feinstein, . . .

Chỉ còn 3 tháng nữa là tới cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ mà điểm tín nhiệm của Biden vẫn còn chìm sâu dưới nước vì nhiều vấn đề, nghiêm trọng nhất là lạm phát, khủng hoảng biên giới, xã hội bất an, khan hiếm lương thực và xăng dầu.  Đảng Dân Chủ đang tung ra nhiều kế hoạch, nhiều phương tiện để lấy lòng cử tri.  Chuyến công du của Nancy Pelosi không ngoài mục đích lấy lại niềm tin của người dân và củng cố sức mạnh cho đảng nhằm cứu vãn tình trạng suy sụp của đảng Dân Chủ trong cuộc bầu cử cuối năm nay.

Kim Nguyễn
August 2, 2022
Nhận Định Thời Cuộc

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*